Phiên họp ngày 13 tháng 9 năm 2023 của Ủy ban Di sản thế giới do TS. Dr Abdulelah Al-Tokhais - chủ trì, điều hành cuộc họp. Phiên họp toàn thể, Ủy ban Di sản thế giới tiếp tục xem xét tình trạng bảo tồn của các Di sản thiên nhiên. Tại cuộc họp 21 thành viên bao gồm Argentina, Bỉ, Bulgaria, Egypt, Ethiopia, Hi lạp, Ấn độ, Italy, Nhật Bản, Mali, Mexico, Nigeria, Oman, Qatar, Nga, Rwanda, Saint Vincent and the Grenadines, Ả rập Xê Út, Nam Phi, Thái Lan và Zambia đã đồng thuận cao và thông qua Nghị quyết 45 COM 7B.90 về Di sản thế giới Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.
Ủy ban Di sản thế giới tại kỳ họp 45 đánh giá cao việc thể hiện sự cam kết chắc chắn của Việt Nam trong việc giải quyết các quyết định của Ủy ban Di sản, các khuyến nghị của Đoàn Giám sát phản hồi. Việt Nam đã thực hiện các hành động nhằm hạn chế xấm lấn của 14 loài ngoại lai; đề nghị quốc gia thành viên đưa ra kế hoạch hành động để giải quyết vấn nạn này.
Nghị quyết 45 COM 7B.90 cũng đề cập cần thiết xây dựng kế hoạch quản lý du lịch hiệu quả và bền vững nhằm hạn chế những tác động tiêu cực lên các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản.
Thông qua Nghị quyết, Ủy ban Di sản hoan nghênh các hoạt động thực thi pháp luật, ngăn chặn xâm phạm, giải quyết nạn săn bắt trái phép, thực hiện điều tra và giám sát các loài động vật hoang dã.
Ủy ban Di sản thế giới ghi nhận nội dung mà Quốc gia thành viên xác nhận đối với việc chăn thả gia súc trong khu vực Di sản là không nhằm mục đích thương mại, mà trên cơ sở nhằm mục đích tự cung tự cấp; các biện pháp quản lý đã được áp dụng để ngăn chặn các tác động tiêu cực này.
Nghị quyết cũng đề cập đến việc phối hợp liên biên giới trong các hoạt động giữa tỉnh Quảng Bình, Việt Nam và tỉnh Khammuoane, Lào có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ khu vực tiếp giáp biên giới và khuyến khích mở rộng Di sản, bao gồm Vườn quốc gia Hinnamno, Lào.
Đặc biệt, Nghị quyết yêu cầu Quốc gia thành viên xây dựng năng lực, bảo đảm nguồn lực trong công tác quản lý và bảo vệ Di sản.
Nghị quyết cũng nêu rõ việc triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp để giải quyết sạt lở đất và lũ lụt vào tháng 10 năm 2020 được đánh giá là tích cực, qua đó đã cho phép Quốc gia thành viên đánh giá thiệt hại do lũ lụt và thực hiện các biện pháp phòng ngừa để ứng phó với các sự cố trong tương lai bằng hệ thống cảnh báo thiên tai và kế hoạch hành động ứng phó.
Trên đây là những điểm quan trọng mà Nghị quyết 45 COM 7B.90 đã chỉ ra để Quốc gia thành viên thực hiện đảm bảo gìn giữ các giá trị ngoại hạng toàn cầu vì sự phát triển bền vững.