Các loài nhện mới này được phát hiện bởi TS. Phạm Đình Sắc thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Mô tả của ba loài được công bố trên Tạp chí Quốc tế uy tín Zootaxa, 3909(1): 82pp (monograph, tháng 1 năm 2015).
Ba loài nhện mới thuộc họ Pholcidae được mô tả dựa trên các mẫu vật thu thập được ở trong hang Tượng, động Thiên Đường và hang Bảy Tầng. Trước đó, năm 2010 và 2012, TS. Phạm Đình Sắc và cộng sự đã phát hiện và công bố 1 giống và 2 loài bọ cạp mới trong hang động khu vực Phong Nha Kẻ Bàng.
Các loài mới được phát hiện có đời sống chuyên biệt trong môi trường hang động, đặc hữu cho Việt Nam.
1. Loài Pholcus bifidus sp.nov.
Loài Pholcus bifidus phát hiện được ở trong hang Tượng, vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình. Đây là loài sống chuyên biệt trong môi trường hang động, là loài đặc hữu cho Việt Nam. Loài này khác biệt với tất cả các loài khác thuộc giống Pholcus bởi sự có mặt của các mấu lồi trên chân kìm của con đực, các gai sinh dục dài và nhọn, hơi cong, hóa kitin cứng; cơ quan sinh dục cái nhô hẳn ra ngoài.
Loài Pholcus bifidus sp.nov. (ảnh: Phạm Đình Sắc)
2. Loài Pholcus caecus sp.nov.
Loài Pholcus caecus phát hiện được ở trong động Thiên Đường, Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình. Đây là loài sống chuyên biệt trong môi trường hang động, là loài đặc hữu cho Việt Nam. Loài nhện này phân biệt với các loài khác của giống Pholcus bởi kích thước cơ thể rất nhỏ; nhện không có mắt; xuất hiện đôi sừng cong và sắc nhọn ở mặt trên của giáp đầu ngực.
Loài Pholcus caecus sp.nov. (ảnh: Phạm Đình Sắc)
3. Loài Khorata protumida sp.nov.
Loài Khorata protumida phát hiện được ở hang Bảy Tầng, vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình. Đây là có đời sống chuyên biệt trong môi trường hang động, là loài đặc hữu ở Việt Nam. Loài này giống loài Khorata khammouan Huber, 2005 nhưng khác loài Khorata khammouan do có các tấm la mel tạo hình vòm như tổ tò vò ở hàm dưới con đực; có 4 mấu lồi ở hàm trên; cửa ngoài bộ phận sinh dục cái hóa kitin cứng, nổi rõ thành bờ.
Loài Khorata protumida sp.nov. (ảnh: Phạm Đình Sắc)
Nguồn: Phạm Đình Sắc