Du lịch: 0948346555 - Quản lý bảo vệ rừng: 0919052111 - Cứu hộ động vật: 0915659417

Đa dạng động vật ở Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng

Được xác định là một trong 200 vùng sinh thái quan trọng của thế giới (WWF, Global Eco-regon 200), Phong Nha – Kẻ Bàng là hình mẫu điển hình về đa dạng sinh học của vùng sinh thái dãy Trường Sơn. Với các điều kiện về sinh cảnh, khí hậu, thuỷ văn cùng với hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi đặc trưng đã tạo ra môi trường lý tưởng cho hệ động vật ở đây. Phong Nha – Kẻ Bàng đã ghi nhận sự có mặt của 1.394 loài động vật thuộc 835 giống, 289 họ, 68 bộ, 12 lớp, 4 ngành. Trong đó có 82 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, 116 loài được ghi trong Sách đỏ IUCN, 39 loài có tên trong Nghị định số 64/2019/NĐ-CP, 66 loài có tên trong các phụ lục CITES. Sự đa dạng về hệ động vật ở Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng bao gồm cả nhóm động vật có xương sống (thể hiện ở đa dạng nhóm thú, nhóm chim, nhóm lưỡng cư, nhóm bò sát, nhóm cá) và cả nhóm động vật không xương sống (chân khớp, giun dẹp, thân mềm).

Đa dạng thú: có 154 loài thuộc 90 giống, 32 họ, 11 bộ. Trong đó có 56 loài thú lớn, có 46 loài thú được ghi trong Sách đỏ Việt Nam (có 03 loài cực kỳ nguy cấp, 19 loài nguy cấp, 21 loài sắp nguy cấp), 93 loài được ghi trong Sách đỏ IUCN, 29 loài có tên trong Nghị định 64/2019/NĐ-CP, 39 loài có tên trong các phụ lục CITES. Đây cũng là sinh cảnh của 10 loài linh trưởng, chiếm 50% tổng số loài thuộc bộ linh trưởng ở Việt Nam; trong đó, có 03 loài linh trưởng nguy cấp trên phạm vi toàn cầu là Voọc hà tĩnh (Trachypithecus hatinhensis*), Chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus) và vượn Đen má trắng (Nomascus leucogenys siki), trong đó Voọc hà tĩnh là loài đặc hữu hẹp chỉ tìm thấy ở vùng núi đá vôi Phong Nha – Kẻ Bàng và vùng lân cận.

Vượn đen má trắng tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng

Đa dạng chim: Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng là sinh cảnh của 303 loài chim thuộc 166 giống, 55 họ, 15 bộ. Trong đó 11 loài được ghi trong sách Đỏ Việt Nam, 11 loài được ghi trong Sách đỏ IUCN, 05 loài có tên trong Nghị định 64/2019/NĐ-CP, 12 loài có tên trong các phụ lục CITES. Đáng chú ý có 07 loài chim đặc hữu cho dãy Trường Sơn với 04 loài đặc hữu cho Việt Nam và 01 loài bị đe dọa nguy cấp ở mức toàn cầu là Công (Pavo muticus). Phong Nha – Kẻ Bàng được tổ chức Bảo tồn Chim Quốc tế công nhận là 2 trong số hơn 60 vùng chim quan trọng của Việt Nam (BirdLife, 2005).

Chim chích đá vôi tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng

Đa dạng cá: có 215 loài thuộc 108 giống, 38 họ, 10 bộ. Trong đó có 05 loài được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam, 01 loài cực kỳ nguy cấp, 01 loài nguy cấp, 03 loài sắp nguy cấp; 33 loài đặc hữu của Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.

Đa dạng bò sát: có 100 loài thuộc 67 giống, 17 họ, 02 bộ. Trong đó 17 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, 11 loài được ghi trong Sách đỏ IUCN, 05 loài có tên trong Nghị định 64/2019/NĐ-CP, 15 loài có tên trong các phụ lục CITES.

Đa dạng lưỡng cư: có 51 loài thuộc 27 giống, 8 họ, 02 bộ. Trong đó 03 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, 01 loài được ghi trong Sách đỏ IUCN.

Đa dạng về chân khớp, giun dẹp, thân mềm: Có 571 loài thuộc 377 giống, 139 họ, 28 bộ.

Trong khoảng gần 20 năm qua, 38 loài mới cho khoa học đã lần lượt được ghi nhận và công bố trên toàn thế giới, trong đó có 02 loài chim, 03 loài ếch nhái, 18 loài bò sát, 06 loài nhện, 09 loài cá. Đặc biệt năm 2012, các nhà khoa học ghi nhận mẫu Chuột đá Trường Sơn (Laonastes aenigmamus) thuộc giống Laonestes tại  khu vực mở rộng thuộc Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng – đây là một đại diện sống duy nhất của họ thú cổ (Diatomyidae) được xem là đã tuyệt chủng cách đây 11 triệu năm. Đây là loài mới phát hiện tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng và là loài mới bổ sung vào danh lục thú Việt Nam. Việc phát hiện loài Chuột đá Trường Sơn là một trong các ghi nhận quan trọng về đa dạng sinh học của VQG và của thế giới, khẳng định nhóm động vật này không chỉ sinh sống giới hạn ở Lào mà còn cả ở Việt Nam.

Lê Thị Phương Lan

Translate by Google »