Được sự cho phép của UBND tỉnh Quảng Bình, từ ngày 08 đến ngày 12/1/2019, Đoàn nghiên cứu đến từ Trường Đại học Columbia, Đại học Califonia, Đài Thiên văn địa cầu Lamont – Doherty, Viện sinh thái học miền Nam và Trung tâm nghiên cứu quốc tế rừng nhiệt đới, Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà hợp tác với BQL VQG Phong Nha – Kẻ Bàng nghiên cứu về cổ khí hậu tại khu vực VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, đoàn gồm có 11 thành viên.
Trong thời gian tác nghiệp tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, với sự hỗ trợ của BQL Vườn đoàn nghiên cứu chia làm 03 nhóm: Nhóm nghiên cứu về vòng năm của cây do GS.TS. Brendan Buckley của Đại học Columbia, Tiến sỹ Lưu Hồng Trường Viện sinh thái học miền Nam phụ trách tiến hành thu thập, khảo sát vòng năm của cây tại khu vực dọc đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, khu vực U Bò và khu vực từ km 27 – km 30 đường 20, trong đó nhóm nghiên cứu đặc biệt chú ý đến các loài cây lá kim; Nhóm nghiên cứu về hang động do GS.TS. Kathleen Johnson của Trường Đại học Califonia và trợ lý Giáo sư Mike Griffiths của Trường Đại học New Jersey dẫn đầu tiến hành nghiên cứu, thu thập mẫu thạch nhũ và nước tại hang Tối, hang Vòm và hang Hoàn Mỹ, các vị trí trong hang động được lựa chọn để nghiên cứu ít bị tác động bởi du lịch và thủy văn lòng hang; Nhóm nghiên cứu về trầm tích và lắng đọng lòng hồ do GS.TS. Lora Stevens của Trường Đại học Califonia phụ trách thu thập mẫu trầm tích khu vực Hà Lốt, khu vực Trạ Ang – Hamada, các vị trí nghiên cứu cần đảm bảo điều kiện khắt khe là chưa hoặc ít bị tác động.
Mục đích của nhóm nghiên cứu nhằm xác định niên đại qua vòng năm của cây, đồng vị ổn định của oxy, cacbon qua nước mưa trong các hồ và nhũ thạch của hang động nhằm tái hiện lại và làm rõ về cổ khí hậu khu vực Đông Nam Á, những biến đổi của cổ khí hậu trong quá khứ nhằm có những đánh giá, so sánh với khí hậu hiện tại.
Nghiên cứu xác định đồng vị oxy, cacbon, vòng năm cây rừng và xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu Đông Nam Á là hướng nghiên cứu tổng quát và rất có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay. Sự thay đổi trong cổ khí hậu, xác định độ lắng đọng trầm tích theo thời gian được giải thích thông qua phân tích vòng năm cây rừng, đồng vị cacbon, đồng vị oxy-18 và oxy-16. Dựa vào lý thuyết này, cùng thực tiễn ở các cánh rừng, hang động ở khu vực Ðông Nam Á, trong đó có VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, đoàn nghiên cứu đang tiếp tục phối hợp với VQG Phong Nha – Kẻ Bàng nghiên cứu và có những giải mã thú vị về cổ khí hậu của khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng nói riêng và Đông Nam Á nói chung.
Trước đó, trong hai ngày 5 và 6 tháng 01 năm 2019, tại Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà đã tổ chức Hội thảo khoa học về kết quả nghiên cứu cổ khí hậu tại khu vực Đông Nam Á. Tại Hội thảo, nhóm nghiên cứu thuộc Trường đại học Columbia, Đại học Califonia, Đài Thiên văn địa cầu Lamont – Doherty, Trung tâm nghiên cứu quốc tế rừng nhiệt đới và các nhà khoa học đã trình bày một số kết quả nghiên cứu cổ khí hậu tại khu vực Đông Nam Á nói riêng và trên thế giới nói chung thông qua khảo sát, phân tích vòng năm cây rừng, nhũ thạch trong hang động và lớp trầm tích lắng đọng trong các ao hồ tự nhiên./.
Bùi Thành