Đã 63 năm trôi qua nhưng nhân dân Quảng Bình vẫn khắc ghi sự kiện đặc biệt, đó là vào 8 giờ 15 phút ngày 16/6/1957, chuyên cơ mang số hiệu Li- 203 chở Chủ tịch Hồ Chí Minh hạ cánh xuống sân bay Lộc Đại (nay là Cảng hàng không Đồng Hới). Ngay khi đặt chân đến Quảng Bình, Bác Hồ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Bình và dành thời gian quý báu gặp gỡ, thăm hỏi đoàn đại biểu các dân tộc, nhân sĩ, trí thức, tôn giáo, gặp mặt cán bộ cốt cán, nói chuyện với hơn 3 vạn đồng bào tại sân vận động Đồng Hới, đi thăm cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 325.
Trong buổi gặp mặt này, Bác đã chỉ ra cho đồng bào Quảng Bình – Vĩnh Linh nhiệm vụ chiến lược quan trọng: “Quảng Bình cùng với Vĩnh Linh ở tuyến đầu miền Bắc, tiếp giáp với miền Nam, mọi việc làm tốt hay xấu của các cô, các chú đều có ảnh hưởng nhất định đến cách mạng miền Nam, đều có ảnh hưởng đến việc bảo vệ miền Bắc. Nếu kẻ địch có hành động liều lĩnh gì thì Quảng Bình, Vĩnh Linh phải đương đầu với chúng trước hết và phải đảm bảo đánh thắng chúng trước hết…”. Bác ân cần nhắc nhở Quảng Bình “nghề biển, nghề rừng cũng quan trọng không kém nghề ruộng. Hơn nữa, Quảng Bình có những thứ đặc biệt mà các nơi khác trên miền Bắc ít có. Nếu biết dùng đúng và dùng tốt tài nguyên và lao động thì Quảng Bình sẽ giàu có, không những đời sống nhân dân trong tỉnh được nâng lên mà còn đóng góp một phần quan trọng cho nhà nước”.
Những lời căn dặn và dạy bảo của Người là nền tảng mang tính chiến lược lâu dài, là phương châm hành động, tạo nên ý chí quyết tâm của Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quê hương trên con đường đổi mới. Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm, tỉnh Quảng Bình đã phát động toàn dân đẩy mạnh các hoạt động trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh để thực hiện lời dạy của Người. Trong những năm tháng chiến tranh, Quảng Bình ra sức phấn đấu “chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi”. “Hai giỏi” đã trở thành phong trào quần chúng thi đua lập công trên mặt trận chiến đấu và lao động sản xuất của quân và dân Quảng Bình trong suốt 10 năm đánh Mỹ (1965 -1975). Đặc biệt, tại Đại hội anh hùng-chiến sĩ thi đua toàn quốc, Quảng Bình có 7 đơn vị, 11 cá nhân được Quốc hội và Chính phủ tuyên dương Anh hùng lao động và Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Nhân dân Quảng Bình hăng hái thi đua, lao động sản xuất, trong đó có hợp tác xã Đại Phong (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) vang danh trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp và hợp tác xã miền Bắc. Năm 1961, Bác Hồ đã gửi tặng Hợp tác xã Đại Phong chiếc máy cày DT54. Người viết báo nêu gương, cổ vũ Đại Phong và kêu gọi cả miền Bắc thi đua học tập theo Đại Phong. Đại Phong trở thành lá cờ đầu trong phong trào xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, đi vào lịch sử như một “hiện tượng” trong nông nghiệp, thổi bùng lên một luồng gió mới trong lao động sản xuất ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Gió Đại Phong trở thành một biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trên mặt trận lao động sản xuất của tập thể nhân dân lao động miền Bắc, có tiếng vang không những trong nước mà còn đối với bạn bè quốc tế. Riêng đối với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Bình, Gió Đại Phong mãi mãi là niềm tự hào, cổ vũ, động viên tinh thần hăng hái thi đua lao động sản xuất xây dựng và bảo vệ quê hương qua các chặng đường lịch sử. Trong giai đoạn hiện nay, phong trào “Gió Đại Phong” thúc đẩy nhanh công cuộc xây dựng nông thôn mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước.
Trong thời kỳ chống Mỹ, Quảng Bình luôn chắc tay cày, vững tay súng, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, tất cả vì miền Nam thân yêu. Hàng ngàn máy bay, tàu chiến của Mỹ lần lượt bị quân, dân Quảng Bình bắn hạ và nhiều lần được Bác Hồ gửi thư khen. Đặc biệt, ngày 14-7-1965 quân và dân Quảng Bình bắn rơi chiếc máy bay thứ 100 của đế quốc Mỹ, Bác Hồ đã gửi thư khen: “Bác rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ khen ngợi đồng bào, bộ đội, cán bộ Quảng Bình đã bắn rơi 100 máy bay giặc Mỹ, vừa qua lại thu hoạch vụ chiêm rất tốt. Như vậy là tỉnh nhà chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi. Các tỉnh khác hãy ra sức thi đua với Quảng Bình”. Một vinh dự nữa lại đến với quân và dân tỉnh Quảng Bình là vào ngày 29/8/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất cho quân và dân Quảng Bình. Chiến công nối tiếp chiến công, Quảng Bình càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng lớn và càng trưởng thành. Sự quan tâm của Bác, những lá thư khen và tình cảm của Bác chính là sức mạnh cổ vũ quân và dân Quảng Bình vượt qua muôn ngàn gian khổ, góp sức vào cuộc cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Quảng Bình hôm nay đã mang một vóc dáng mới, sức sống mãnh liệt được thắp lên từ quá khứ kiên cường, lời căn dặn khi Người vào thăm Quảng Bình năm 1957 đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Những năm qua, Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình cố gắng, nỗ lực, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội với nhiều thành tựu quan trọng. Đặc biệt, sau hơn 30 năm tái lập tỉnh Quảng Bình, từ năm 1989 đến nay, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt khá, quy mô nền kinh tế không ngừng được nâng lên, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực; tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 1989-2019 của tỉnh đạt 8,2%. Hộ nghèo năm 1989 chiếm gần 50% số hộ, đến nay còn gần 5%. Cuộc sống người dân ngày một ấm no và hạnh phúc, diện mạo quê hương ngày càng đổi thay. Chính trị – xã hội ổn định, quốc phòng – an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố vững chắc… Bên cạnh đó, Quảng Bình phát huy các lợi thế của ngành du lịch tỉnh nhà, được thiên nhiên ưu đãi có phong cảnh thật kỳ vỹ, sơn thuỷ hữu tình hội đủ đặc trưng của các loại địa hình đồng bằng, rừng núi, sông biển, hải đảo với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, thắng cảnh nổi tiếng như: Đèo Ngang – Hoành Sơn, Vũng Chùa – Đảo Yến, các bãi biển Đá Nhảy, Nhật Lệ, Bảo Ninh, Quang Phú, Suối Nước nóng Bang có nhiệt độ sôi tự nhiên lên đến 105°C, hồ Bàu Tró, phá Hạc Hải, Núi Thần Đinh … Đặc biệt là Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng hai lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới với hệ thống hang động đá vôi nguyên sơ hùng vĩ, với thảm thực vật nguyên sinh giàu có về loài tạo nên sinh cảnh kỳ thú có một không hai. Nơi đây còn là điểm giao thoa hội tụ của nhiều luồng văn hoá tạo nên những nét đặc trưng khác biệt mà khó nơi nào có được. Không những thế nơi đây có ghi lại những chiến tích hào hùng trong cuộc chiến giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Chính vì vậy, Quảng Bình là điểm đến không chỉ hấp dẫn về thiên nhiên mà còn khám phá về văn hóa hết sức độc đáo.
Để bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với công lao to lớn và những tình cảm sâu nặng của Bác Hồ dành cho nhân dân Quảng Bình, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh Quảng Bình đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 63 năm ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình (16/6/1957-16/6/2020) với các chuỗi hoạt động: Dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ và các Anh hùng liệt sỹ tỉnh Quảng Bình; trồng cây lưu niệm tại quần thể Tượng đài Bác Hồ với Nhân dân Quảng Bình và Quảng trường trung tâm; chương trình lễ kỷ niệm. Trong đó, chương trình lễ kỷ niệm 63 năm Ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình (16/6/1957 – 16/6/2020), khánh thành Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với Nhân dân Quảng Bình được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh – Truyền hình Quảng Bình, nối sóng trực tiếp trên sóng Truyền hình của một số địa phương. Tượng đài “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Nhân dân Quảng Bình” được xây dựng tại Quảng trường Hồ Chí Minh, TP. Đồng Hới, nơi cách đây 63 năm về trước, Bác Hồ đã nói chuyện với hơn 3 vạn đồng bào, cán bộ, chiến sỹ Quảng Bình. Đây là công trình văn hóa có giá trị đặc biệt và ý nghĩa chính trị quan trọng, thể hiện lòng kính yêu sâu sắc của nhân dân Quảng Bình đối với vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc.
Quảng Bình hôm nay đang không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên, thế hệ trẻ hôm nay và mai sau cần phải có trách nhiệm tiếp bước những chặng đường lịch sử vẽ vang và hào hùng của bao thế hệ cha ông, phát huy cao độ truyền thống yêu nước nồng nàn, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đoàn kết, anh dũng, kiên cường, bất khuất trong chiến đấu; phát huy các giá trị và bồi đắp thành sức mạnh tổng hợp phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quê hương Quảng Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh, nhân dân ấm no hạnh phúc./.
Mai Thùy