Du lịch: 0948346555 - Quản lý bảo vệ rừng: 0919052111 - Cứu hộ động vật: 0915659417

“Lễ hội Trỉa lúa” của người Bru – Vân Kiều và “Hò thuốc cá” của người Nguồn được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Ngày 03/02/2021, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 608/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia “Lễ hội Trỉa lúa” của người Bru – Vân Kiều xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (thuộc loại hình lễ hội truyền thống) và “Hò thuốc cá” của người Nguồn huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình (thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian). Theo đó, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch yêu cầu UBND tỉnh Quảng Bình trong phạm vi, quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật về Di sản văn hóa.

Lễ hội Trỉa lúa hay còn gọi là lễ hội lấp lỗ của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh diễn ra từ ngày 11 – 14/7 âm lịch. Đây là lễ hội quan trọng nhất trong đời sống tín ngưỡng và sinh hoạt cộng đồng Bru – Vân Kiều để cầu xin thần linh ban cho cuộc sống ấm no, mùa màng tốt tươi, con chim, con chuột không phá hoại cây lúa, cây ngô của dân làng. Họ tôn thờ thần lúa, xem đây là vị thần quan trọng nhất mang lại ấm no, hạnh phúc. Có lẽ cũng chính vì vậy, đồng bào Bru-Vân Kiều luôn gìn giữ lễ hội trỉa lúa, lễ mừng cơm mới với ý nghĩa là những lễ hội lớn nhất trong năm.  Người Bru-Vân Kiều ở miền núi phía tây Quảng Bình cư trú ở vùng có khí hậu khắc nghiệt, hạn hán, mưa lũ, thiên tai… liên miên. Vì thế mà đồng bào phải sống du canh du cư, phát đốt, cốt, trỉa để sinh tồn, dựa vào tự nhiên, rừng, sông suối. Hoạt động sản xuất chủ yếu của người Bru-Vân Kiều chủ yếu là canh tác rẫy, trồng lúa là chính. “Lấp lỗ” là một công đoạn cuối của quy trình làm nương làm rẫy: chặt, đốt, cốt, trỉa, nhưng đã được dân bản nâng lên thành lễ hội với ý nghĩa là trước khi đem hạt giống cất giữ trong gùi kín đáo hàng năm ra, trỉa xuống đất cầu mong thần trời, thần nước, thần rừng, thần núi giữ gìn bảo hộ cho sự sinh sôi nảy nở chắc hạt nặng bông có ngày thu hoạch. Sau lễ lấp lỗ, khi lúa trên nương đã hoe vàng, người Bru-Vân Kiều lại hân hoan chuẩn bị lễ mừng cơm mới. Lễ hội trỉa lúa của người Bru-Vân Kiều, ngoài phần lễ, là lời khấn bày tỏ sự biết ơn trời đất, thần lúa đã cho bà con dân bản mùa màng bội thu, cây cối tốt tươi, cuộc sống ấm no; thì phần hội chính là dịp để bà con dân bản cùng uống rượu cần, múa hát, thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó.

Làn điệu Hò thuốc cá (Hò thuốc) được xem là làn điệu dân ca đặc trưng của người Nguồn ở huyện Minh Hóa (Quảng Bình). Hò thuốc ra đời bắt nguồn từ nghề thuốc cá tập thể khi giã, hoặc đâm nhỏ rễ cây “tèng” rồi chế thành thuốc thả xuống khe, suối để cùng nhau bắt cá. Hò thuốc có nhịp điệu linh hoạt, khẩn trương theo nhịp chày giã thuốc và đã trở thành một di sản văn hóa phi vật thể của người dân vùng cao huyện Minh Hóa, nó đã và đang phát triển rộng rãi và ngày càng được nâng cao trong công cuộc đổi mới. Ngày nay, Hò thuốc được diễn xướng trong lao động sản xuất, trong những buổi hò hẹn gặp gỡ nam nữ, trong các cuộc hội hè, đình đám như lễ hội, đám cưới và cả khi ru con, đặc biệt là vào dịp hội Rằm tháng Ba Minh Hóa (Âm lịch) và trong những ngày lễ tết của dân tộc, trong đó phần hò và xô vẫn được diễn xuất như khi hò trong lao động chỉ khác động tác giã tèng được thay bằng nhịp vỗ tay của mọi người trong cuộc vui. Với những câu hò thuốc mộc mạc tình tứ, đầy tình cảm đã đưa nhiều đôi trai gái đến với nhau thành vợ chồng không những trong lao động sản xuất mà còn trong những phiên “chợ tình”. Ngoài ra, ở Minh Hóa còn tồn tại các làn điệu dân ca như hát bội, hát kiều, hát đúm, ví, hát nhà trò, hát sắc bùa, hát ru….. và nhiều hình thức sinh hoạt dân gian độc đáo khác. Các giá trị đó luôn được người dân Minh Hóa gìn giữ và lưu truyền, góp phần làm nên nét phong phú và độc đáo trong đời sống văn hoá của quê hương Quảng Bình.

Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng nằm trên địa phận các huyện Bố Trạch, Minh Hoá, Quảng Ninh tỉnh Quảng Bình là nơi sinh sống của cộng đồng các dân tộc thiểu số như Sách, Rục, Mày, Arem, Mã Liềng, Bru-Vân Kiều, Ma Coong, Khùa, Trì… mang những nét đặc trưng của văn hóa núi rừng, nguyên thủy tạo nên một bức tranh toàn cảnh đầy sống động về văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể của các tộc người hết sức phong phú và đa dạng, kể cả nội dung lẫn loại hình. Các di sản văn hóa nơi đây không những đã góp phần tích cực trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của người dân Quảng Bình mà còn góp phần thu hút du khách thập phương đến với Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng./.

Mai Thùy

 

Translate by Google »