Du lịch: 0948346555 - Quản lý bảo vệ rừng: 0919052111 - Cứu hộ động vật: 0915659417

Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật – Địa chỉ tin cậy trong công tác cứu hộ và bảo tồn động vật hoang dã

Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật thuộc VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, là đơn vị có chức năng tham mưu, giúp Giám đốc Ban Quản lý Vườn trong công tác cứu hộ, bảo tồn, phát triển sinh vật và giáo dục môi trường, nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư địa phương, du khách và các đối tượng khác khi đến tham quan, học tập, nghiên cứu tại Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.

Đặc biệt từ nhiều năm nay, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật  (Trung tâm) được gọi vui là “bệnh viện” – mái ấm gia đình nhỏ của các loài động vật hoang dã. Ở đây, bên cạnh việc chăm sóc, chữa trị cho hàng trăm loài động vật hoang dã, Trung tâm còn nỗ lực để bảo tồn nhiều loài động vật quý hiếm.

Một sáng đầu thu tháng mười, tôi đã có mặt ở Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật. Ngay từ sáng sớm, không khí làm việc của các nhân viên tại “bệnh viện” của động vật hoang dã cũng đã rất tất bật. Người dọn vệ sinh chuồng trại, người nấu thức ăn, người chuẩn bị khẩu phần… Anh Phạm Kim Vương – Trưởng bộ phận Cứu hộ sinh vật sau cái bắt tay thật chặt đã trao chiếc khẩu trang rồi dẫn tôi bước qua khu vực khử trùng để vào khu chuồng, trại động vật hoang dã đang được cứu hộ. Khu nuôi cứu hộ động vật hoang dã được trang bị những chiếc chuồng sắt, xung quanh được bao phủ bởi lưới B40 và lưới mắt cáo, phía trong bố trí các cành nhánh và thân cây để động vật leo trèo, vận động. Cạnh đó, một khu chuồng rộng là nơi trú của 03 chú chim hồng hoàng, khu nuôi thả rùa, các loài động vật bò sát… Mới sáng sớm, cả khu vực náo động bởi tiếng kêu của mấy con khỉ mặt đỏ, tiếng gáy muộn của gà rừng ở chuồng bên cạnh…Khi có người xuất hiện, những động vật hoang dã nơi đây lập tức xao động, gầm hú, một phần nguyên nhân là do chúng sợ con người, nhưng cũng có nguyên nhân là nhiều động vật đã quen được con người cho ăn.

Bác sỹ Trần Ngọc Anh đang điều trị động vật hoang dã bị thương

Ðội cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã ở đây chỉ có 05 người, công việc hằng ngày là theo dõi sức khỏe, nuôi dưỡng và chăm sóc những loài thú hoang dã. Hơn 07 giờ sáng, việc đầu tiên của các anh, các chị là kiểm tra sức khỏe, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ để bảo đảm môi trường sống cho chúng, sau đó cho chúng ăn. Thời gian còn lại các anh, chị tập trung vào việc tìm nguồn thức ăn tự nhiên và làm giàu môi trường sống cho chúng. Mọi việc thường kết thúc vào lúc 05 giờ chiều cùng ngày, nhưng nhiều hôm kéo dài đến tối vì trực chăm sóc động vật bị ốm. Tuy khối lượng công việc nhiều nhưng việc cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã đã mang lại niềm vui cho những cán bộ nơi đây.

Tất cả các cá thể động vật cứu hộ tại đây được bảo đảm bởi khẩu phần ăn nghiêm ngặt và đa dạng từ các loại hoa quả tươi đến các loại rau, lá của cây rừng… Lịch ăn mỗi ngày hai hoặc ba bữa. Cá thể nào ốm sẽ được theo dõi hàng giờ để có phương pháp chữa trị tốt nhất. Được biết mỗi tháng, chi phí thức ăn, thuốc chữa bệnh cho động vật không nhỏ, song vượt lên trên hết là lợi ích môi trường và sự cân bằng của tự nhiên.

A person holding a monkey

Description automatically generatedCán bộ Trung tâm chăm sóc, theo dõi sức khỏe hằng ngày cho động vật

Trò chuyện với bác sĩ Trần Ngọc Anh – Phó Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật là người gắn bó với Trung tâm từ ngày đầu thành lập, có rất nhiều kỷ niệm với nghề cứu hộ, chữa trị bệnh cho động vật hoang dã. Bác sĩ Trần Ngọc Anh cho biết “ Nghề bác sĩ của động vật nuôi vốn đã khó, với động vật hoang dã càng khó và dễ phát sinh tai nạn nghề nghiệp hơn. Ðiều quan trọng là cứu chữa, chăm sóc nhưng không làm mất đi bản tính hoang dã để thả chúng lại môi trường tự nhiên. Những cá thể bị nuôi nhốt lâu không đủ điều kiện sinh tồn ngoài tự nhiên như mất tập tính hoang dã, mất chức năng vận động được chuyển vào khu phục hồi chức năng. Tại đây, chúng tôi có những cách thức để phục hồi tập tính sinh thái và chức năng vận động cho chúng, rồi đưa ra khu nuôi thả bán hoang dã một thời gian để thích nghi dần, sau đó mới thả ra môi trường tự nhiên”. Anh nhớ lại, mùa đông năm 2009, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng chuyển giao hai con vượn Siki má trắng rất nhỏ bị “lâm tặc” bắt. Nhận về chỉ ít ngày sau, hai con vượn bị ốm. Bác sỹ Ngọc Anh đã chẩn đoán và điều trị nhưng bệnh tình của hai con vượn không giảm. Ðêm đông lạnh buốt, nằm trong chăn cạnh khu chuồng linh trưởng, anh cảm nhận hai cá thể vượn Siki đang lạnh run vì không còn hơi ấm từ mẹ. Người bác sĩ thú y trẻ tỉnh dậy bế một con ốm nặng vào giường, đắp chăn bông, nằm cạnh nó để giữ nhiệt, nhờ vậy đã cứu sống được con vượn nhỏ để rồi sau đó cả hai cá thể vượn được thả trở lại rừng. Anh nói: “Đó là hành trình giành giật sống chết để cứu vượn Siki non. Nay chúng đã lớn, bình phục và tiếng hót của chúng đã bắt đầu”.

Thả động vật về môi trường tự nhiên sau quá trình chăm sóc, cứu hộ

Những năm qua, Trung tâm luôn trong tình trạng quá tải vì số lượng động vật hoang dã phải cứu hộ rất nhiều. Tuy nhiên, khó khăn không làm cho hoạt động của Trung tâm bó hẹp mà nơi đây vẫn trở thành một trong bốn Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã có uy tín và hiệu quả cao trong cả nước. Không chỉ vậy, Trung tâm cũng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế. Hiện nay đơn vị đang nhận được sự hỗ trợ đặc biệt của Tổ chức bảo vệ động vật Châu Á, hàng tháng có 02 tình nguyện viên thường xuyên đến làm việc tại Khu cứu hộ.

Có thể nói rằng khi chứng kiến công việc của các cán bộ, nhân viên “bệnh viện động vật hoang dã” càng làm cho tôi cảm phục, bởi phải có tình thương với động vật, trách nhiệm với nghề nghiệp mới giúp họ vượt qua khó khăn để làm tốt nhiệm vụ được giao./.

Huyền Sương

Translate by Google »