Trong quá trình thưc hiện nhiệm vụ, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật đã phối hợp với các quan chức năng để thường xuyên tuyên truyền đến cộng đồng nâng cao nhận thức bảo tồn nhằm giảm thiểu việc săn bắn, bẫy bắt, nuôi nhốt động vật hoang dã, do vậy nhiều người dân tự nguyện giao nộp động vật hoang dã đang nuôi nhốt để cứu hộ và thả về nơi môi trường tự nhiên phù hợp với điều kiện sống của chúng.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, Trung tâm đã tiếp nhận và cứu hộ 25 cá thể động vật hoang dã từ các cơ quan chức năng và người dân tự nguyện giao nộp. Hiện Trung tâm đang nuôi cứu hộ 42 cá thể và nuôi sinh sản 28 cá thể. Bên cạnh đó, đơn vị đã tiếp nhận từ Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng 80 kg lan Thủy tiên hường (Dendrobium amabile) để tiến hành cứu hộ và tái thả vào môi trường tự nhiên tại Vườn Thực vật.
Từ hiệu ứng tuyên truyền đó, vào tháng 7 năm 2020, Trung tâm tiếp tục tiếp nhận 5 các thể động vật hoang dã do người dân tự nguyện giao nộp, trong đó có một cá thể Rùa sa nhân (Cuora mouhotii) thuộc nhóm nguy cấp quý hiếm (IIB) và một cá thể Rùa hộp trán vàng Miền Bắc (Cuora galbinifonr) thuộc nhóm nguy cấp quý hiếm (Nghị định 64/2019/NĐ-CP) do ông Cao Ngọc Tuấn ở xã Hướng Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình tự nguyện giao nộp sau khi mua lại của một người dân đi rừng vô tình bắt được và đã chủ động liên hệ với Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng để giao nộp.
Để thực hiện thành công cứu hộ động vật hoang dã cần qua năm bước quy trình kỹ thuật gồm: Tiếp nhận động vật từ cơ quan chức năng và người dân; Chăm sóc và điều trị thú y; Nuôi dưỡng tại trạm cứu hộ; Huấn luyện phục hồi tập tính hoang dã và Thả về môi trường tự nhiên là một qúa trình lâu dài và khó khăn của cán bộ Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật thuộc Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.
Qua việc tự giao nộp động vật hoang dã để cứu hộ cho thấy mối liên hệ giữa Vườn quốc gia với cộng đồng dân cư địa phương luôn chặt chẽ, khi cộng đồng địa phương cùng tham gia vào các hoạt động bảo vệ động vật hoang dã và có trách nhiệm trong quản lý rừng thì không những việc quản lý rừng có tính khả thi cao mà cộng đồng còn quan tâm đặc biệt đến hiệu quả của việc thực thi quản lý và phát huy các giá trị của rừng sẽ mang lại cho chính mình. Vì vậy, việc tăng cường liên kết với cộng đồng địa phương trong quản lý rừng, bảo vệ rừng và cùng tham gia là giải pháp quan trọng ở Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng trong những năm qua.
Lân Nguyễn