Du lịch: 0948346555 - Quản lý bảo vệ rừng: 0919052111 - Cứu hộ động vật: 0915659417

Giá trị văn hóa đặc sắc của Lễ hội Đền Nghe Phong Nha – Kẻ Bàng

Đền Nghe – Đền Tiên sư tự cốc (hay còn gọi là đền Hang, chùa Hang, chùa Nghe…) tọa lạc ngay trước cửa động Phong Nha, đường lên động Tiên Sơn thuộc Thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Tên gọi đó là do nhân dân hai thôn Phong Nha và Trằm đặt cho, điều đáng chú ý là vị trí của ngôi Đền Nghe liên quan mật thiết mối quan hệ tâm linh của cư dân ở đây với hang động và nguồn nước thiêng liêng từ hang động chảy ra. Hiện nay, cư dân của hai thôn đều xác nhận tín ngưỡng thực chất của họ gắn với ngôi đền này là một lễ cầu nước của bà con hai thôn Phong Nha và Trằm hay còn gọi là “Lễ hội xin nước tiên”.

Nguồn gốc Lễ hội

Theo Ô châu cận lục Dương Văn An đã nhắc đến đền Chân Linh, sau này trong Đại Nam nhất thống chí, Quốc sử quán triều Nguyễn nhắc đến đền Tiên sư tự cốc. Đó là ngôi đền nằm ở cửa động Phong Nha, gắn với Lễ hội xin nước tiên của dân cư sống quần tụ quanh lưu vực sông Son. Người Việt ở khu vực động Phong Nha cho rằng, động này là nơi cư ngụ của các thần linh, nơi nguồn nước chảy ra vô tận, nơi giao hòa sinh khí giữa trời và đất. Vì vậy, nước chảy từ động Phong Nha có khả năng “diệu ứng” cho vạn vật sinh linh. Hàng năm vào tháng 5 âm lịch, người dân trong vùng tổ chức lễ cầu đảo (cầu mưa). Lễ vật chính là một con chó đen (đại diện cho con vật uế tạp) được đưa đến trước cửa động, cổ con chó buộc một tờ sớ với lời cầu xin trời đổ mưa xuống. Người dân trong vùng đứng thành vòng tròn trước cửa động, khi nghe tiếng trống vang lên (tượng trưng cho tiếng sấm), trai làng dìm con chó xuống nước, mọi người cùng nhau nhảy múa hô vang cầu xin mưa xuống. Thầy cúng làm lễ cầu khấn trời đất và các vị thần làm mưa dâng nước để đẩy vật uế tạp đó đi. Theo người dân trong vùng, sau nghi thức xin nước tiên, trời đổ mưa to. Từ đó dân trong vùng cho rằng, lời thỉnh của lễ hội cầu đảo tại đền thờ động Phong Nha có linh ứng. Vì thế hàng năm vào những ngày đầu mùa hạ, dân trong vùng tổ chức xin nước tiên để tránh hạn hán mất mùa.

PGS.TS Nguyễn Tri Nguyên, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa Nghệ thuật đã khảo sát và cho biết Lễ hội đền Nghe không xác định được nguồn gốc chính xác của nó. Tuy nhiên về truyền thuyết, ông nhận định rằng có thể con người hiện đại đã tưởng tượng, thêm thắt các tình tiết làm cho nó có phần khác so với cái nguyên bản, nguyên gốc lúc đầu. Ông cũng đã từng nhận định rằng lễ cầu nước đền Nghe vừa là ước muốn của con người về chất vô nhiễm linh thiêng kia, vừa là một ứng xử tâm linh của cư dân bản địa đối với thần hang động. Nước là biểu tượng chính, là nguyện vọng, cầu mong của bà con. Ông nghĩ rằng, cái này hoàn toàn phù hợp với tâm thức của người Việt sống nhờ vào sông nước và hang động, nơi nguồn nước bắt đầu. Do vậy, việc tổ chức một lễ cầu nước, rước nước hay cầu đảo là hoàn toàn vừa mang tính dân tộc bản địa, vừa mang tính văn hóa, không hề có vấn đề mê tín dị đoan lai nhập.

Về mặt thời gian, theo ký ức dân gian thì thời điểm có thể tổ chức lễ hội vào mùa khai hạ, tức là vào đầu mùa hạ 8/4 âm lịch, có nơi các cụ làm vào 5/5 hoặc vào rằm tháng 7. Có năm nguy kịch, mất mùa, dịch bệnh thì cuối tháng Chạp vẫn có thể tổ chức lễ cầu nước (điều này không chính xác lắm).

Không gian lễ hội

Tại khu đền cũ ở dưới chân của đền mới hiện đang toạ lạc, đền hướng ra sông và cửa động hợp phong thủy và cận sơn, cận thủy và cận động, gắn với tục thờ: Thủy thần, Sơn thần và Cốc thần. Nay là thuỷ vực trước bến đò lên Đền Nghe cửa động Phong Nha.

Trung tâm lễ cầu nước sẽ là thuỷ vực trước cửa động Phong Nha được giới hạn ước lệ bằng việc dùng khoảng 15-20 cái thuyền. Trong đó, 17 chiếc thuyền chở cờ phướn tượng trưng cho Thuỷ, Mộc, Hoả, Thổ, Kim: trong đó 3 thuyền tượng trưng cho hành Thổ làm trung tâm (trong 5 thuyền này có 1 thuyền rồng định vị trước cửa động, trên thuyền rồng chở choé nước và kiệu, 2 thuyền chở trống chiêng và bát âm). Những chiếc thuyền thay đổi đội hình ngũ hành theo tuần tự của diễn trình lễ hội do ban tổ chức điều hành và có tập dượt từ trước.

https://phongnhakebang.vn/uploads/news/2022_03/thuy-hanh.jpg?1648632258983

Các bước diễn trình của lễ hội cầu nước Đền Nghe

Phần lễ:

  1. Dọn vệ sinh Đền Nghe trước khi diễn ra Lễ hội;
  2. Lễ cáo yết: Đại diện dân của hai làng Trằm và Phong Nha, Ban tế xin phép thần linh tổ chức Lễ hội. Vào Lúc 23h30 là giờ Chánh Tí, thời khắc giao hòa giữa đất và trời, giữa âm và dương bà con bắt đầu tổ chức làm lễ, nguồn nước lúc đó được cho là tinh khiết nhất. 03 thuyền chở đội tế và các cụ lão thành làm lễ múc nước. Nghi lễ gồm các vật cúng tế và thả vòng sinh khí xuống vùng nước trong, thắp ba tuần hương liên tục múa nước vào chóe. Sau khi làm phép thuật, hết tuần hương thứ ba, ban tế dâng nước lên đên thắp hương, sau đó đội tế về để sáng hôm sau làm lễ chánh tế;
  3. Khai mạc Lễ hội: Sáng sớm ngày hôm sau, đoàn nghi thuyền tập kết trước bến thuyền động Phong Nha, bố trí đội hình ngũ hành từ cửa sông theo hình mũi tên. Đi đầu là hành Thổ, tiếp theo hành Mộc, tiếp theo là hành Hỏa, đến hành Thủy và cuối cùng là Hành Kim. Theo hiệu lệnh của đội trống, đội hình rước xuất phát, vừa đi đội trống vừa đánh bài rước, rước đến cửa thủy vực, tất cả các thuyền tắt máy chuyển sang chèo tay, đội hình dàn theo vòng rồi xếp hình ngũ hành để chuẩn bị cho Lễ khai mạc của Lễ hội. Sau khi đọc diễn văn Khai mạc Lễ Hội Đền Nghe, Trưởng ban tổ chức thắp hương bàn thờ thần.
  4. Lễ chánh tế: Bắt đầu trong hiệu lệnh trống, Ban tế lễ từ 3 thuyền trung tâm chở lân và bát âm lên Đền. Dâng nước lễ vật (một cái thủ lợn, bốn cái chân, một cái đuôi và thêm xôi cùng với hương hoa quả phẩm) đặc biệt là hình mã chó hiến sinh lên đền tế: ba tuần hương, một lần nước, một lần rượu và lần thứ ba là vừa nước vừa rượu; Tiếp đến Chánh tế đọc văn sớ dâng hương “Diệu ứng chi thần” Đền nghe. Ban tế xong quay lại thuyền rồng, ở dưới sông, nhạc trống vẫn nổi lên và các hành này biến đổi liên tục;
  5. Lễ dâng hương của các tầng lớp nhân dân ở địa phương;
  6. Lễ ban nước lành;
  7. Lễ hiến sinh: Được biết, trong lễ cầu đảo này có việc dìm một con chó đen xuống nước với mục đích gây xú uế, khiến cho thần nổi giận mà phải gây mưa để làm sạch, tẩy mùi xú uế đó. Và thường thì trong vòng ba ngày sau sẽ linh ứng và có mưa xuống. Việc dùng chó đen làm vật hiến sinh trong lễ hội đền Nghe là nét độc đáo ít nơi có và phù hợp vời việc cầu nước. Và yếu tố nước ở đây là điềm lành, là cầu may, cầu mùa xuất phát từ hệ sinh thái mạch nước ngầm và hang động.

Phần Hội:

  1. Hát bội: (hát vào đêm trước hội) do đoàn tuồng bội dân gian Khương Hà, xã Hưng Trạch cùng với các đội văn nghệ trong khu vực tham gia trình diễn.
  2. Bơi trải: Thường trước đây họ đóng mười thuyền và mỗi thuyền là 10 người, thi với nhau ngay sau khi tế. Có điều độc đáo là do chính nguồn gốc trước đây là cư dân vạn chài trên sông nước, nên khi tổ chức bơi trải, thì họ lấy luôn thuyền vẫn dùng hàng ngày để mang ra đua mà không đóng thuyền mới. Khi tổ chức bơi, thì các tay bơi ăn mặc rất đơn giản, mỗi người đều có một cái đai màu đỏ buộc ở bên lưng. Hội bơi trãi thu hút hàng ngàn người tham dự cổ động cho hai xã tranh tài với một không khí náo nức vui vẻ.
  3. Trò diễn thứ hai ngay sau lễ bơi trải, gắn chặt chẽ với cầu nước đó là kéo co. Các làng đều cử ra các đội kéo co của làng mình.
  4. Đánh đu: Riêng về đánh đu thì ở bên Phong Nha có kể là trước đây còn có hẳn một cây xoài cổ thụ để làm cột đu.
  5. Các trò chơi dân gian là cướp cù, đây cũng là trò chơi mang dấu ấn của tín ngưỡng phồn thực…các trò chơi dân gian phong phú khác như chọi chân, đánh khăng, đánh cù…đều tập trung biểu hiện ước vọng của lễ cầu đảo. Vì vậy, có thể nói rằng, phần hội minh họa rất rõ nét cho phần tín ngưỡng của phần lễ trong lễ cầu nước này.

Lễ hội này xuất phát từ tín ngưỡng về sông nước nói chung, trong đó có cầu nước, tức là tín ngưỡng thờ thuỷ thần của bà con cư dân vạn chài, của cư dân sông nước. Có thể nói, lễ cầu nước đền Nghe thể hiện ước muốn của con người về chất vô nhiễm thiêng liêng kia vừa là một ứng xử của tâm linh của cư dân đối vị thần hang động. Tục thờ ở đền Nghe tích hợp ba tục thờ Sơn Thần, Thủy Thần và Cốc Thần, nhưng nước là biểu tượng chính, là nguyện vọng, là cầu mong của bà con chúng ta nẩy sinh từ sự nghiệp chinh phục thiên nhiên, khai hoang mở đất bao đời nay.

Khôi phục và gìn giữ văn hóa lễ hội Đền Nghe

Sau nhiều năm chiến tranh, do bị tàn phá bởi bom đạn kẻ thù và do điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn nên tục thờ và lễ hội đã bị mai một. Đền Nghe đã được nhà nước đầu tư tôn tạo và phục dựng, nhưng điều kiện vật chất cho lễ hội không có, những người hiểu biết về lễ hội đã già, nhiều năm qua chưa tổ chức lễ hội.

Nhận thấy giá trị văn hóa, tinh thần sâu sắc và ý nghĩa to lớn của lễ hội trong đời sống tâm linh của nhân dân Sơn Trạch và tầm quan trọng của nó gắn với Di sản Thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ  Bàng, Ủy ban nhân dân tỉnh Quản Bình, Sở Văn hóa Thông tin quyết định đầu tư  cơ sở vật chất và Viện Văn hóa Thông tin, Bộ Văn hóa Thông tin đầu tư tư vấn khoa học, hướng dẫn phục dựng, Ủy ban nhân dân huyện Bố Trạch chỉ đạo trực tiếp, Ủy ban nhân dân xã Sơn Trạch (nay là Thị Trấn Phong Nha) phối hợp với Trung tâm Du lịch Văn hóa Phong Nha, BQL Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đã triển khai khôi phục lại lễ hội đền Nghe tại xã Sơn Trạch vào ngày mùng 05 và 06 tháng 9 năm 2006 (Tức ngày 13 và rạng sáng ngày 14 tháng 7 Âm lịch (nhuận) năm 2006).

Lễ hội đền Nghe lần này cũng được chia ra thành hai phần gồm phần lễ và phần hội.

Phần lễ được tiến hành gồm: lễ mộc dục (lấy nước từ sông lên tẩy rửa trong đền), lễ cáo yết, lễ hiến sinh (dìm một con chó đen xuống cửa động Phong Nha, hình mã chó đen hiến sinh được đặt trên bè chuối 1mx1m. Ban tế thắp hương đọc văn tế, sau đó hình mã được hóa thành ngọn lửa trong tiếng trống chiêng nổi lên, cuối cùng tro tàn rải xuống nước. Lúc đó kết hợp hai yếu tố âm và dương tạo nên ấn tượng tính chất “ma thuật” độc đáo ), lễ rước nước về chùa, lễ tế.  Phần lễ kết thúc bằng bài trống hội và múa lân.

Phần hội gồm các hoạt động: bơi trải, kéo co, đánh đu, cướp cù, hát bội…và các trò chơi dân gian mang dấu ấn của tín ngưỡng phồn thực. Mục đích của lễ hội đền Nghe là cầu mưa, cầu cho thời tiết thuận hòa, mùa màng bội thu, đời sống người dân an lành, no ấm… Lễ hội lúc đó đã thu hút đông đảo người dân địa phương và khách du lịch tham gia.

Tuy nhiên, sau khi việc khôi phục lễ hội thành công, đến nay vẫn chưa thấy Lễ hội Đền Nghe được tổ chức thêm lần nào. Thiết nghỉ, Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, hằng năm có rất nhiều du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, do vậy để làm đa dạng và phong phú thêm các sản phẩm du lịch nhằm thu hút khách thì việc khôi phục Lễ hội đền Nghe là rất cần thiết. Qua đó, có thể giới thiệu với du khách trong nước và quốc tế nét văn hóa đặc sắc của người dân, giúp họ hiểu thêm về đời sống, văn hóa, tâm linh của con người nơi đây, tạo cho họ cảm giác gần gũi, thân thuộc hơn mỗi lần đến với miền đất di sản này.

Hiện tại Đền Nghe (Đền Tiên sư tự cốc) vẫn đang được Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng quản lý, bảo vệ, chăm sóc tốt. Nếu có sự bảo tồn, phát huy và khai thác một cách hợp lý, hiệu quả, thì chắc chắn rằng những giá trị đó sẽ thực sự trở thành “thương hiệu” không chỉ riêng của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, của tỉnh Quảng Bình mà sẽ có mặt trên bản đồ du lịch thế giới./.

Tài liệu tham khảo:

  1. PGS.TS Nguyễn Tri Nguyên, Qua Di sản Đền Nghe nghĩ về Lễ hội Phong Nha – Kẻ Bàng, Tạp chí Di sản văn hóa số 1, năm 2008 (trang 64-69)
  2. PGS.TS Nguyễn Văn Mạnh, TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Những giá trị về đặc trưng văn hóa tộc người ở khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng, Tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ số 3-2013.
  3. https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa-van-nghe/201509/le-hoi-den-nghe-2128409/

Mai Thùy – Mỹ Hạnh

Translate by Google »