Ngày Quốc tế về Rừng (21/3) được Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua ngày 28/11/2012 và được tổ chức đầu tiên vào năm 2013, từ đó đến nay, sự kiện này được duy trì thường niên với các chủ đề khác nhau theo từng năm.
Năm 2024, Ngày Quốc tế về Rừng có chủ đề “Rừng và Đổi mới sáng tạo: Giải pháp mới vì một thế giới tốt đẹp hơn”. Nội dung của thông điệp nhằm nhấn mạnh sự đổi mới sáng tạo có thể giúp con người khôi phục, bảo vệ, quản lý và sử dụng rừng một cách bền vững.
Ủy ban Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu trong nhiều thập kỷ qua đã xây dựng các khung phân tích và phương pháp nhằm xác định đúng và đủ tiềm năng và giá trị sử dụng của hệ sinh thái rừng. Cụ thể, giá trị trực tiếp bao gồm giá trị của những nguyên liệu thô và những sản phẩm vật chất được lấy ra từ rừng và sử dụng trực tiếp trong các hoạt động sản xuất, tiêu dùng và mua bán của con người như gỗ, củi, lâm sản ngoài gỗ, vật liệu gen; Giá trị gián tiếp là giá trị kinh tế của các dịch vụ môi trường và chức năng sinh thái mà rừng tạo ra như duy trì và điều tiết nguồn nước, hạn chế lũ lụt, kiểm soát xói mòn, hấp thụ và lưu giữ các-bon, điều hòa khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học; Giá trị lựa chọn là những giá trị chưa được biết đến của nguồn gen, các loài động vật hoang dã trong rừng và các chức năng sinh thái rừng khi chúng được đưa vào ứng dụng trong lĩnh vực giải trí, dược phẩm, nông nghiệp, trong tương lai; Giá trị để lại là những giá trị trực tiếp hoặc gián tiếp mà các thế hệ sau có cơ hội được sử dụng; Giá trị tồn tại là giá trị nội tại đi kèm với sự tồn tại của các loài trong rừng và hệ sinh thái rừng mà không kể đến việc sử dụng trực tiếp như ý nghĩa về văn hoá, lịch sử, thẩm mỹ, di sản, kế thừa…
Ngày Quốc tế về Rừng có chủ đề “Rừng và Đổi mới sáng tạo: Giải pháp mới vì một thế giới tốt đẹp hơn”
Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng có tổng diện tích 123.326 ha, gồm 03 phân khu: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (100.296 ha), phân khu phục hồi sinh thái (19.619 ha), phân khu hành chính dịch vụ (3.411 ha).
Với phương châm “Phòng là chính, bảo vệ rừng tận gốc”, BQL VQG Phong Nha – Kẻ Bàng đã đặt ra phương án quản lý rừng bền vững dài hạn. Xây dựng kế hoạch tuần tra, truy quét liên ngành, thường xuyên để bảo vệ và ngăn chặn tình trạng khai thác lâm sản, săn bắn, đặt bẫy bắt động vật trái phép. Các tổ, trạm của lực lượng bảo vệ rừng đổi mới cách thức, phương pháp tuần tra, tiếp cận các khu vực mới, bảo đảm bao quát được địa bàn quản lý. Tất cả các ngả đường vào khu vực VQG Phong Nha – Kẻ Bàng đều có trạm, rào chắn barie, đồng thời các điểm chốt trong rừng dài ngày luôn được duy trì thường xuyên, kịp thời phát hiện, xử lý những hành vi xâm phạm tài nguyên rừng do vậy chấm dứt được tình trạng khai thác gỗ trái phép trong khu vực BQL VQG Phong Nha – Kẻ Bàng quản lý. Đồng thời ký kết quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, vận chuyển lâm sản trái phép… với lực lượng kiểm lâm, biên phòng, công an, lâm nghiệp…; ký cam kết không vi phạm các quy định về bảo vệ rừng VQG với các hộ kinh doanh, buôn bán trên địa bàn.
Bên cạnh việc bảo vệ rừng theo những phương pháp truyền thống, đổi mới cách thức tiếp cận, thì gần đây BQL VQG Phong Nha – Kẻ Bàng đã đưa nhiều công nghệ mới vào việc bảo vệ ở VQG Phong Nha – Kẻ Bàng. Trong đó, sử dụng ảnh vệ tinh Sentinet, Google Erth Pro, Vtools for Mapinfor kết hợp các phần mềm chuyên dụng trong lâm nghiệp, như: Mapinfor, Qgis, Global Mapper, máy định vị GPS, máy tính bảng có cài đặt ứng dụng FRMS Mobile để quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có. Thông qua giải đoán ảnh vệ tinh, lực lượng bảo vệ VQG Phong Nha – Kẻ Bàng đã chủ động xác định được các khu vực biến động tài nguyên rừng. Nếu phát hiện có điểm biến động về rừng, lực lượng kiểm lâm địa bàn sẽ tổ chức kiểm tra hiện trường, xác minh các nguyên nhân diễn biến rừng; đặt các bẫy ảnh để phát hiện, bảo vệ các loài động, thực vật…
Rừng nguyên sinh hàng ngàn năm tuổi tại Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng
Nhờ làm tốt công tác bảo vệ, VQG Phong Nha – Kẻ Bàng hiện được đánh giá là một trong 238 vùng sinh thái quan trọng nhất trên toàn cầu, 96,2% diện tích khu vườn quốc gia được rừng bao phủ, qua các cuộc khảo sát hệ động, thực vật tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, bước đầu đã ghi nhận được 2.953 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 1.007 chi, 198 họ, 63 bộ, 12 lớp, 6 ngành, trong đó có 111 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam; 121 loài được ghi trong Sách đỏ IUCN; 03 loài có tên trong Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính phủ. Về động vật, Phong Nha – Kẻ Bàng có 1.394 loài động vật thuộc 835 giống, 289 họ, 68 bộ, 12 lớp, 4 ngành, trong đó có 82 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam; 116 loài được ghi trong Sách đỏ IUCN; 39 loài có tên trong Nghị định số 64/2019/NĐ-CP; 66 loài nằm trong các phụ lục CITES.
Thời gian tới, BQL VQG Phong Nha – Kẻ Bàng sẽ triển khai các phương án quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Thực hiện đồng bộ các hoạt động bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, xây dựng kết cấu hạ tầng; phát triển du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực gắn với nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học với phát triển kinh tế – xã hội, khi ấy giá trị Di sản mới thực sự tỏa sáng, phát triển bền vững./.