Du lịch: 0948346555 - Quản lý bảo vệ rừng: 0919052111 - Cứu hộ động vật: 0915659417

Hưởng ứng ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2024

Năm 2024, Liên hợp quốc đã lựa chọn chủ đề cho Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học là “Be part of the Plan” – “Hãy là một phần của Kế hoạch đa dạng sinh học”. Đây là thông điệp và là lời kêu gọi các bên liên quan cùng tham gia, đóng góp vào việc thực hiện Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh – Montreal (GBF), hướng tới ngăn chặn, giảm bớt sự suy giảm đa dạng sinh học trong thập kỷ “Phục hồi hệ sinh thái”.

Thông điệp này cũng nhằm nâng cao nhận thức của các bên liên quan về Khung GBF tại Hội nghị các bên tham gia Công ước về Đa dạng sinh học (COP16), dự kiến diễn ra từ ngày 21/10/2024 đến 1/11/2024 tại Cali, Colombia.

Ngày Quốc tế Đa dạng Sinh học được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1993 tại Hà Lan, nhằm tăng cường nhận thức của mọi người về tầm quan trọng của sự đa dạng trong các loài sống 1993 bởi Ủy ban Liên Chính phủ về Đa dạng Sinh học (IPBES) của Liên Hợp Quốc. Thể hiện nỗ lực toàn cầu trong việc bảo vệ, duy trì và sử dụng bền vững các loài động thực vật và đa dạng sinh học, ngày này được kỷ niệm vào ngày 22 tháng 5 hàng năm.

Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng được thiên nhiên ban tặng một tài nguyên vô cùng quý giá, nơi đó chứa đựng tính đa dạng của các hệ sinh thái tự nhiên. Bao gồm các hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi, hệ sinh thái rừng trên núi đất và vùng chuyển tiếp, hệ sinh thái sông suối, hệ sinh thái hang động và các hệ sinh thái thứ sinh. Đây là một bộ máy hoàn chỉnh cho quá trình đồng tiến hóa của động vật, thực vật tại thành những mắt xích và mạng lưới thức ăn bền vững trong mội trường tự nhiên. Đặc biệt, kiểu rừng nhiệt đới thường xanh chủ yếu cây lá kim với ưu thế loài Bách xanh núi đá và dưới tán là các các loài lan hài phân bổ trên núi đá vôi ở độ cao trên 700 -1.000m là kiểu rừng độc nhất vô nhị không tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên trái đất. Bên cạnh đó, còn có 15 kiểu rừng khác đã đem lại tính đa dạng của các hệ sinh thái, có ý nghĩa toàn cầu đối với bảo tồn đa dạng sinh học.

Chủ đề của Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2024 là “Be part of the Plan” – “Hãy là một phần của Kế hoạch đa dạng sinh học

Cho đến nay, VQG Phong Nha – Kẻ Bàng hiện được đánh giá là một trong 238 vùng sinh thái quan trọng nhất trên toàn cầu, 96,2% diện tích khu vườn quốc gia được rừng bao phủ, qua các cuộc khảo sát hệ động, thực vật tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, bước đầu đã ghi nhận được 2.953 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 1.007 chi, 198 họ, 63 bộ, 12 lớp, 6 ngành, trong đó có 111 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam; 121 loài được ghi trong Sách đỏ IUCN; 03 loài có tên trong Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính phủ. Về động vật, Phong Nha – Kẻ Bàng có 1.394 loài động vật thuộc 835 giống, 289 họ, 68 bộ, 12 lớp, 4 ngành, trong đó có 82 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam; 116 loài được ghi trong Sách đỏ IUCN; 39 loài có tên trong Nghị định số 64/2019/NĐ-CP; 66 loài nằm trong các phụ lục CITES.

Thời gian tới, BQL VQG Phong Nha – Kẻ Bàng tiếp tục phổ biến, tuyên truyền pháp luật để người dân nâng cao nhận thức là biện pháp quan trọng, mang tính bền vững trong các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học. Triển khai nhiều hoạt động như lồng ghép vào các buổi sinh hoạt thôn, bản, duy trì hoạt động các câu lạc bộ bảo tồn ở cơ sở, phát tài liệu, ấn phẩm truyền thông, tổ chức hoạt động ngoại khóa tại trường học, vùng đệm về quản lý, bảo vệ rừng và động vật hoang dã. Tăng cường công tác bảo vệ, bảo tồn các giá trị của thiên nhiên và đa dạng sinh học, thực hiện các giải pháp về bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các quy định có liên quan khác. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng rộng rãi hệ thống SMART và bẫy ảnh trong tuần tra bảo vệ rừng, giám sát diễn biến tài nguyên rừng; Tăng cường các hoạt động điều tra, giám sát đa dạng sinh học, các loài động, thực vật quý hiếm để làm cơ sở cho công tác quản lý, bảo tồn. Đồng thời, nhân giống phục hồi các loài cây quý hiếm như phong lan, huê, giổi xanh, giổi ăn hạt… phục vụ bảo tồn và chuyển giao mô hình cho cộng đồng dân cư các xã vùng đệm./.

Huyền Sương
Translate by Google »