Du lịch: 0948346555 - Quản lý bảo vệ rừng: 0919052111 - Cứu hộ động vật: 0915659417

Xây dựng Hồ sơ đề cử Khu dự trữ sinh quyển thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng

Ngày 24/9/2024, BQL VQG Phong Nha – Kẻ Bàng phối hợp với Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học – Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị trao đổi xây dựng Hồ sơ đề cử Khu dự trữ sinh quyển thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng. Đại diện lãnh đạo Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học và đại diện lãnh đạo Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đồng chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị, về phía đoàn công tác Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học có Tiến sỹ Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học; Tiến sỹ Nguyễn Xuân Dũng, Trưởng phòng Sinh thái và Cảnh quan thiên nhiên, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học; Thạc sỹ Phan Thị Quỳnh Lê, Chuyên viên Phòng Sinh thái và Cảnh quan thiên nhiên, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học; Ông Lê Hùng Anh – Viện Trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật – Đơn vị tư vấn. Về phía BQL VQG Phong Nha – Kẻ Bàng có đồng chí Đinh Huy Trí – Phó Giám đốc BQL Vườn; đồng chí Hoàng Hải Vân – Phó Giám đốc BQL Vườn; đồng chí Trương Thanh Khai – Phó Giám đốc BQL Vườn; đại diện lãnh đạo các phòng, đơn vị trực thuộc VQG; đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, các sở, ngành, đơn vị trong tỉnh và đại diện lãnh đạo các huyện Bố Trạch, Minh Hóa, Tuyên Hóa.

Toàn cảnh Hội nghị 

Tại Hội nghị, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học đã trình bày ý nghĩa, giá trị của việc thành lập Khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ), tiêu chí, quy trình lập hồ sơ, đề cử công nhận KDTSQ, sự hỗ trợ của Trung ương và trách nhiệm của địa phương trong việc lập hồ sơ đề cử công nhận KDTSQ; Đơn vị tư vấn – Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật trình bày báo cáo đề xuất phạm vi ranh giới, quy mô, kế hoạch tiến độ và mô hình quản lý; BQL VQG Phong Nha – Kẻ Bàng trình bày báo cáo về những công việc đã làm, đề xuất tên gọi, phạm vi, ranh giới, quy mô và mô hình quản lý.

Theo đó, phạm vi khảo sát lập hồ sơ đề cử Khu dự trữ sinh quyển thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng dự kiến có quy mô diện tích khoảng 485.000ha, dân số khoảng trên 130.000 người. Trong đó, vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới được lấy theo ranh giới vùng lõi của VQG Phong Nha – Kẻ Bàng nằm trong địa phận thuộc 2 huyện Bố Trạch và Minh Hóa với diện tích 123.326ha; vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển thế giới được lấy theo ranh giới vùng đệm của VQG Phong Nha – Kẻ Bàng nằm trong địa phận 13 xã/thị trấn thuộc 3 huyện Bố Trạch, Minh Hóa và Quảng Ninh với diện tích 220.000ha; vùng chuyển tiếp của Khu dự trữ sinh quyển thế giới nằm ngoài cùng tiếp giáp với vùng đệm, có diện tích dự kiến khoảng 140.000ha trongđịa phận của18 xã/thị trấn thuộc 6 huyện, thị xã.

Hội nghị cũng được nghe các chuyên gia và đại diện các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương các huyện phát biểu ý kiến và thống nhất cách thức và phương pháp tiếp cận, các bước triển khai xây dựng Hồ sơ đề cử trong thời gian tới.

Đơn vị tư vấn – Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật trình bày báo cáo đề xuất phạm vi ranh giới, quy mô, kế hoạch tiến độ và mô hình quản lý

Kết luận Hội nghị, đồng chủ trì Hội nghị đã yêu cầu đơn vị tư vấn chủ động phối hợp với BQL VQG Phong Nha – Kẻ Bàng và các sở, ngành cấp tỉnh, chính quyền địa phương triển khai ngay việc khảo sát, thu thập thông tin và tham vấn các bên liên quan để hoàn thành bản dự thảo Hồ sơ đề cử Khu dự trữ sinh quyển thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng trước ngày 31/12/2024. Đồng thời đề nghị BQL VQG Phong Nha – Kẻ Bàng và các sở, ngành cấp tỉnh, chính quyền địa phương tích cực phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh hoàn thiện Hồ sơ đề cử Khu dự trữ sinh quyển thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng để tiến hành thẩm định, trình cấp có thẩm quyền xem xét trình UNESCO công nhận trong năm 2026.

Dự kiến Hồ sơ đề cử sẽ được UBND tỉnh thống nhất trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, thẩm định trong tháng 6 năm 2025, trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương trong tháng 7 năm 2025 và nộp Hồ sơ đề cử lên UNESCO quốc tế tại Paris, Pháp trong tháng 8 năm 2025. Nếu thuận lợi, Hồ sơ đề cử Khu dự trữ sinh quyển thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng sẽ được UNESCO xem xét, công nhận trong tháng 7 năm 2026.

BQL VQG Phong Nha – Kẻ Bàng trình bày báo cáo về những công việc đã làm, đề xuất tên gọi, phạm vi, ranh giới, quy mô và mô hình quản lý

Được biết, để được đề cử Khu dự trữ sinh quyển thế giới, cần đạt được 7 tiêu chí bao gồm: Khu vực đề cử có đại diện đa dạng các hệ sinh thái của những khu vực địa lý sinh vật chính, bao gồm cả những giai đoạn phát triển có sự tác động của con người; khu vực đề cử có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học cao; Khu dự trữ sinh quyển đó có thể thực hiện phát triển theo hướng bền vững tại khu vực; Khu dự trữ sinh quyển có diện tích thích hợp để đáp ứng được ba chức năng của khu dự trữ sinh quyển; Khu vực đó có đủ những vùng thích hợp; Có sự sắp xếp theo cấp độ của những thành phần liên quan, những người tham dự, những đối tượng quan tâm tại những khu vực phù hợp để cùng thực hiện những chức năng của khu dự trữ sinh quyển; Cơ chế thực hiện việc quản lý và bảo tồn được UNESCO chấp nhận.

Việc Khu dự trữ sinh quyển thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng được công nhận sẽ đóng góp vào việc bảo tồn đa dạng cảnh quan, hệ sinh thái, loài và nguồn gen; hỗ trợ các chương trình, hoạt động giáo dục và tập huấn về môi trường, nghiên cứu, giám sát liên quan đến bảo tồn và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa và con người một cách bền vững./.

Huyền Sương
Translate by Google »