Thực hiện kế hoạch năm 2024 của đề tài “Nghiên cứu và đề xuất phát triển các sản phẩm du lịch trải nghiệm thiên nhiên gắn với văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Bình” thuộc danh mục nhiệm vụ KH&CN tỉnh Quảng Bình thực hiện năm 2023 – 2024, ngày 12/11/2024, Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (BQL VQG PN-KB) tổ chức Hội thảo khoa học nhằm thảo luận, trao đổi, tham khảo ý kiến, góp phần hoàn thiện nội dung Báo cáo tổng hợp của đề tài.
Tham dự Hội thảo, về phía BQL VQG PN- KB có đồng chí Phạm Hồng Thái – Giám đốc BQL Vườn, chủ nhiệm đề tài, chủ trì Hội thảo; các đồng chí lãnh đạo BQL VQG PN-KB; đại diện lãnh đạo các phòng, đơn vị trực thuộc VQG. Về phía Sở Khoa học và Công nghệ có đồng chí Trần Quốc Việt – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; đại diện lãnh đạo phòng Quản lý khoa học và cán bộ chuyên quản của đề tài. Về dự Hội thảo cũng có các chuyên gia, nhà khoa học TS Ngô Xuân Sao – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển vùng – Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh Thanh Hóa; TS Quách Công Năm – Trường Đại học Hồng Đức, Thanh Hóa; TS Trần Tự Lực – Trường Đại học Quảng Bình; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị: Sở Du lịch; Sở Văn hoá và Thể thao; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Ban Dân tộc; Ban Quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu – Khe Nước Trong; đại diện lãnh đạo UBND các huyện: Bố Trạch, Minh Hóa, Quảng Ninh, Lệ Thủy, Tuyên Hóa; đại diện lãnh đạo UBND các xã/thị trấn: Phong Nha, Thượng Trạch, Tân Trạch, Trường Sơn; đại diện lãnh đạo các đơn vị khai thác du lịch: Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis); Công ty TNHH Jungle Boss; Công ty TNHH Netin; Công ty TNHH MTV Du lịch Trường Thịnh; Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Đất Xanh; Công ty TNHH Đầu tư Đoàn Gia.
Đồng chí Phạm Hồng Thái – Giám đốc BQL Vườn, chủ nhiệm đề tài, chủ trì Hội thảo
Kết quả nghiên cứu, khảo sát thực địa tại 120 thôn/bản của 16 xã vùng DTTS tỉnh Quảng Bình cho thấy có 24 thôn/bản có tài nguyên thiên nhiên và văn hóa phong phú, đa dạng; nhiều bản có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, rừng nguyên sinh, hệ thống hang động, sông, suối, thác nước đẹp, bên cạnh đó nhiều bản làng còn giữ được những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc truyền thống, có sức hấp dẫn đối với hoạt động du lịch. Trên cơ sở kết quả đánh giá, khảo sát, kết hợp phương pháp phân tích mô hình SWOT, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn và đề xuất 05 SPDL và 01 mô hình làng du lịch cộng đồng vừa trải nghiệm thiên nhiên, văn hóa lịch sử vừa gắn với văn hóa tộc người: (1) SPDL gắn với văn hóa tộc người Mày và Khùa tại xã Dân Hóa và Trọng Hóa (huyện Minh Hóa); (2) SPDL gắn với văn hóa tộc người Arem tại xã Tân Trạch (huyện Bố Trạch); (3) SPDL gắn với văn hóa tộc người Mã-Liềng tại xã Lâm Hóa và Thanh Hóa (huyện Tuyên Hóa); (4) SPDL gắn với tộc người MaCoong tại xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch); (5) SPDL gắn với tộc người Vân Kiều tại xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh); (6) Mô hình Làng du lịch cộng đồng tại bản Rào Con, thị trấn Phong Nha (huyện Bố Trạch).
Đại diện nhóm đề tài trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu
Để các SPDL được triển khai thực hiện có hiệu quả theo đúng chiến lược, quy hoạch và chương trình phát triển du lịch của tỉnh Quảng Bình, nhóm nghiên cứu đã đề xuất 08 nhóm giải pháp phát triển các SPDL trải nghiệm thiên nhiên gắn với văn hóa của cộng đồng DTTS, bao gồm: (1) Nâng cao công tác quản lý và đào tạo phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cho du lịch; (2) Quy hoạch, đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật; (3) Bảo vệ nguồn TNTN và môi trường trong khai thác du lịch; (4) Đa dạng hóa các SPDL; (5) Xúc tiến, quảng bá các SPDL tại địa phương; (6) Ứng dụng có hiệu quả KHCN cho phát triển; (7) Tăng tính liên kết và chia sẽ lợi ích giữa cộng đồng và cá bên liên quan; (8) Bảo tồn TNDL văn hóa.
Một trong số ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp để hoàn thiện nội dung Báo cáo tổng hợp của đề tài
Trong phần thảo luận, các đại biểu tham dự đều đánh giá cao các nội dung và kết quả nghiên cứu của đề tài. Đề tài đã xác định được các cơ sở khoa học quan trọng để xác định việc thực hiện đề tài là cần thiết. Đặc biệt kết luận được một số kết quả nghiên cứu theo mục tiêu đề ra và kiến nghị 06 đối tượng có liên quan nhằm phát triển các sản phẩm du lịch trải nghiệm thiên nhiên gắn với văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số tại tỉnh Quảng Bình. Kết quả nghiên cứu sẽ làm cơ sở cho công tác nghiên cứu khoa học, là tài liệu cơ sở để các địa phương tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc ở địa phương, chuyển đổi tư duy về xây dựng mô hình du lịch, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa một số DTTS ở tỉnh Quảng Bình. Đồng thời, làm tư liệu tham khảo cho tổ chức, cá nhân quan tâm đầu tư đến HĐDL, văn hóa trên địa bàn. Cung cấp luận cứ khoa học, các thông tin, dữ liệu, bản đồ phân bố các DTTS trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; làm căn cứ khoa học cho việc hoạch định xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, đề án, chương trình, chiến lược phát triển du lịch trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Bình trong thời gian tới./.