Du lịch: 0948346555 - Quản lý bảo vệ rừng: 0919052111 - Cứu hộ động vật: 0915659417

Hang tám thanh niên xung phong – “Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước của các thế hệ

Hôm nay, kỷ niệm 52 năm ngày xảy ra sự kiện bi tráng, 8 thanh niên xung phong quê hương Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa cùng 5 chiến sỹ của Đoàn 5043 pháo binh hy sinh tại Km 16 trên Đường 20 – Quyết Thắng (14/11/1972 – 14/11/2024). 52 năm đã trôi qua nhưng chúng ta – những người đang được sống, làm việc, học tập trong một môi trường hòa bình, là những công dân của một đất nước độc lập, tự do không bao giờ được lãng quên những sự hy sinh ấy.

(Hang Tám TNXP)

Đường 20 – Quyết Thắng được khởi công xây dựng vào ngày 20/12/1965 và hoàn thành vào ngày 05/05/1966, có chiều dài 125 km, xuất phát từ km số 0 (thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch, nay là thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) đến ngã ba Lùm Bùm (Lào). Đây là tuyến đường chi viện huyết mạch cho chiến trường Miền Nam, phá thế độc đạo nối liền Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn thuộc hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh trên “đất lửa” Quảng Bình trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

Phát hiện Đường 20 – Quyết Thắng là một trong những tuyến giao thông huyết mạch quan trọng, từ năm 1965 đến năm 1972, Mỹ đã điên cuồng bắn phá nhằm hủy diệt con đường. Theo tài liệu của Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Việt Nam, Đường 20 – Quyết Thắng là trục ngang có mật độ bom đạn trên 1km đường thuộc loại cao nhất Trường Sơn. Có thời điểm như khoảng cuối tháng 11/1969, suốt 15 ngày đêm, địch sử dụng B-52 kết hợp với máy bay cường kích F-105, F-4 đánh liên tục vào trọng điểm ATP (đoạn cua chữ A, ngầm Ta Lê và đèo Phu La Nhích).

Mỗi ngày khoảng 30 lần/B-52, khoảng 50 lần/máy bay cường kích vừa đánh bổ nhào, vừa rải thảm theo tọa độ, trút bom xuống biến toàn bộ khu vực này thành “sa mạc”. Tuy nhiên, với khẩu hiệu “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, hàng vạn bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến kiên quyết bám đường đánh địch, đảm bảo mạch máu giao thông tuyến lửa. Trong vòng 7 năm, đã có hàng trăm, hàng ngàn người hy sinh trên Đường 20 – Quyết Thắng, mãi mãi trọn vẹn tuổi hai mươi huyền thoại và hàng ngàn người khác mang thương tật suốt đời. Các anh hùng liệt sĩ đã dệt nên những khúc tráng ca bất tử, trong đó có sự kiện bi tráng chiều ngày 14/11/1972.

Chiều đầu đông ngày 14/11/1972, máy bay Mỹ ném bom rải thảm dọc tuyến Đường 20 – Quyết Thắng. Tiểu đội thanh niên xung phong 163, C217 của Ban xây dựng 67, Đoàn 559 gồm các anh, các chị: Nguyễn Văn Huệ (1952), Nguyễn Văn Phương (1954), Nguyễn Mậu Kỷ (1947), Hoàng Văn Vụ (1953), Đỗ Thị Loan (1952), Lê Thị Lương (1953), Lê Thị Mai (1952), Trần Thị Tơ (1954) (cùng ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đang bám trụ, làm nhiệm vụ trên cung đường chạy vào hang đá bên đường (nay gọi là Hang Tám Cô) trú bom. Không may, loạt bom dội trúng cửa hang, một khối đá nặng hàng trăm tấn trên cao đổ ập xuống bịt kín miệng hang, khóa chặt các anh, các chị trong đó.

Tiếng máy bay, tiếng bom vừa dứt, đồng đội lao đến dùng mọi cách, mọi phương tiện để cứu các anh, các chị nhưng tất cả đều không thể…….các anh, các chị đã hy sinh, vĩnh viễn nằm lại với núi rừng Trường Sơn, với con đường mang tên tuổi trẻ. Cùng hy sinh trong loạt bom thảm khốc chiều hôm đó, còn có 05 chiến sỹ của Đoàn 5043 pháo binh, đó là các liệt sỹ: Mai Đức Hùng (SN 1952), Đinh Công Đính (SN 1953), Nguyễn Văn Quận (SN 1952), Sầm Văn Mắc (SN 1952) và Nguyễn Văn Thủy (SN 1954).

(Đền Tưởng niệm các AHLS Đường 20 – Quyết Thắng)

52 năm qua đi, con Đường 20 – Quyết Thắng với những rừng cây chết cháy do bom đạn cày xới năm xưa đã không còn, thay vào đó là cánh rừng hùng vỹ, bạt ngàn một màu xanh đầy sức sống của Di sản Thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha – Kẻ Bàng. Rất nhiều công trình, đền tưởng niệm, bia đá được dựng, khắc ghi chiến công và sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sỹ. Con đường 20 mang khát vọng của niềm tin và ý chí năm xưa, nay đã trở thành điểm đến của bao thế hệ, nối gần lại khoảng cách của vùng biên viễn với đồng bằng tỉnh Quảng Bình. Và hang đá nơi các anh hùng liệt sỹ ngã xuống năm xưa nay đã trở thành một điểm du lịch tâm linh có giá trị tinh thần và tư tưởng không chỉ của tỉnh Quảng Bình mà còn cả của cả nước, là nơi tri ân những người đã hy sinh vì nền độc lập dân tộc đồng thời cũng là nơi giáo dục tinh thần, truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau.

Trung Thành
Translate by Google »