Du lịch: 0948346555 - Quản lý bảo vệ rừng: 0919052111 - Cứu hộ động vật: 0915659417

Hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn năm 2025

Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường được tổ chức hàng năm. Năm 2025, thời gian tổ chức hưởng ứng từ ngày 29/4/2025 đến ngày 06/5/2025, có thể kéo dài đến ngày Môi trường Thế giới 05/6/2025 và lồng ghép với các sự kiện và ngày lễ lớn khác như ngày Môi trường Thế giới, ngày 30/4 và 1/5. 

Chủ đề hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường năm 2025: “Nước sạch vì một nông thôn xanh, bền vững” nhằm nâng cao hiểu biết, trách nhiệm, sự tham gia của viên chức, người lao động trong toàn đơn vị về việc chung tay thực hiện công tác nước sạch nông thôn hướng tới bảo vệ nguồn nước, môi trường sống, khai thác và sử dụng nước tiết kiệm, bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng Nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021-2025.

Trong cuộc sống hàng ngày, nước là một yếu tố rất quan trọng gắn liền với cuộc sống của con người, động vật và thực vật. Con người sẽ không có sức khỏe và hạnh phúc nếu thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh môi trường không tốt. Việc sử dụng nước sạch và thường xuyên vệ sinh môi trường sẽ phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, các bệnh về da, dịch bệnh truyền nhiễm… Vì vậy để đảm bảo nước sạch và vệ sinh môi trường mỗi người chúng ta cần hiểu những thông tin sau.

  1. Vai trò của tài nguyên nước

Nước là tài nguyên quan trọng và quý giá đối với bất kì sinh vật nào trên trái đất. Môi trường là tập hợp tất cả các điều kiện, hiện tượng trong tự nhiên như: đất, nước, không khí, thế giới động vật và thực vật. Môi trường có mối quan hệ mật thiết qua lại với sức khỏe con người. Khi môi trường bị ô nhiểm như: ô nhiễm nước, không khí, đất, thực phẩm và các ô nhiễm khác sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực cho lao động, sản xuất, đời sống và đặc biệt là sức khẻ con người.

Trong cuộc sống hàng ngày, việc quan tâm đến nước sạch và công tác vệ sinh môi trường để phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, các bệnh về da là một yếu tố rất quan trọng bởi vệ sinh môi trường gắn liền với cuộc sống con người. Con người sẽ không có sức khỏe và hạnh phúc nếu thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh môi trường không tốt. Phải sử dụng nước sạch để phòng được các bệnh như: Tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, viêm gan, các bệnh về mắt các bệnh về da, bệnh phụ khoa…

Trong điều kiện nhu cầu về năng lượng không ngừng gia tăng, nước đã góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng của Việt Nam.
Hiện nay, tuy tài nguyên nước bề mặt của nước ta tương đối dồi dào, nhưng đó không phải là nước sạch để dùng cho ăn uống, sinh hoạt vì nước sông, suối, ao hồ đều đang bị ô nhiễm ở các mức độ khác nhau. Nước ngầm nhiều nơi hiện nay cũng đang trở nên ô nhiễm và thiếu do bị khai thác quá mức. Nước mưa cũng có nguy cơ bị ô nhiễm do một số nguyên nhân như không khí ô nhiễm, dụng cụ để thu hứng để lấy nước mưa không đảm bảo vệ sinh.

Do đó, nếu không có các cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch để tiết kiệm và bảo tồn tài nguyên nước  thì sẽ không thể bảo vệ được nguồn tài nguyên hữu hạn này.

2. Đối với nước sạch

– Nước sạch phải là nước trong, không màu, không mùi, không vị lạ, không gây khó chịu cho người sử dụng, không chứa các mầm bệnh, không chứa các chất độc hại.

– Nước sạch có nhiều nguồn cung cấp khác như nước mưa, nước giếng khoan, nước máng lần, nước giếng và hệ thống cung cấp nước tập trung.

– Mỗi gia đình cần có ít nhất một trong các nguồn nước sạch nếu chưa có thì cần hỏi ý kiến tư vấn của Trạm Y tế địa phương để xây dựng cho mình một nguồn nước sạch thích hợp. Nước được lấy từ bất cứ nguồn nào cho dù đã xử lý thì trước khi uống cũng phải đun sôi, tuyệt đối không uống nước lã.

– Nước sạch là tài nguyên quý giá nhưng không phải là vô tận vì vậy mọi người phải có ý thức khai thác bảo vệ và tiết kiệm nguồn nước sạch.

3. Đối với vệ sinh môi trường

– Phải giữ gìn sạch sẽ nguồn nước và khu vực xung quanh, không đổ rác và xây nhà vệ sinh gần nguồn nước, phải thu gom rác phân gia súc để ủ chôn hoặc đốt.

– Phân loại và thu gom rác thải vô cơ vào nơi quy định hoặc bán phế liệu để tái chế xử lý. Vỏ hộp và chai lọ để hóa chất bảo vệ thực vật phải chôn đúng nơi quy định. Thu gom và xử lý rác hữu cơ bằng cách quét dọn nhà cửa hàng ngày, lá cây, rơm rạ, giấy loại phải đổ vào hố rác của gia đình rồi đốt hoặc chôn. Khi có động vật chết phải chôn sâu bằng vôi bột.

– Thu gom và xử lí rác thải hợp vệ sinh và đúng nơi quy định.

– Ruồi nhặng và chuột thường sinh sống tại những đống rác thải, đặc biệt là những nơi có thức ăn thừa, rau và xác súc vật.

– Ruồi nhặng và chuột là nguồn lây truyền bệnh.

– Vứt rác thải và xác súc vật xuống ao, suối, hồ gây ô nhiễm nguồn nước.

4. Những điều cần làm để hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn năm 2025

– Đảm bảo nước sạch và vệ sinh môi trường là trách nhiệm của các ngành, các cấp và mọi người dân.

– Thực hiện cấp, trữ nước an toàn để ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

– Sử dụng nước một cách tiết kiệm, hiệu quả vì một tương lai bền vững.

– Bảo vệ nguồn nước, công trình cấp nước và vệ sinh vì chất lượng cuộc sống.

– Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch góp phần kiểm soát dịch bệnh.

Việc nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò thiết yếu của nước sạch và vệ sinh môi trường không chỉ là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu và dịch bệnh, mà còn là nền tảng để xây dựng một xã hội phát triển bền vững. Sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, các cấp và toàn dân sẽ là yếu tố quyết định để Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường năm 2025 thực sự mang lại hiệu quả và lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng./.

Huyền Sương
Translate by Google »