Di sản Thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng không chỉ được biết đến với những hang động tráng lệ được tạc nên bởi bàn tay của tạo hóa, những cánh rừng hoang sơ của đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, những phong cảnh thiên nhiên đẹp tựa chốn bồng lai mà còn mang trong mình một quần thể di tích lịch sử đáng tự hào của quân và nhân dân ta trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và thống nhất Đất nước. Trong đó, có một bến phà mang tên một người anh hùng bên bờ Nam dòng sông Son thơ mộng, một bến phà được những người con của quê hương Di sản nhớ đến như một chứng tích lịch sử về những năm tháng Vệ quốc oai hùng. Đó chính là bến phà B, hay còn được biết đến với tên gọi bến phà Nguyễn Văn Trỗi.
Một góc bình yên của di tích bến phà Nguyễn Văn Trỗi bên dòng sông Son
Sự ra đời của bến phà mang tên người anh hùng
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, Quảng Bình là tuyến đầu của Miền Bắc XHCN, là cửa ngõ quan trọng để chi viện sức người, sức của cho chiến trường Miền Nam đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhận thức được điều này, Đế quốc Mỹ đã cho hàng ngàn lượt máy bay hiện đại của không quân ném bom và pháo hạm của hải quân bắn phá ác liệt các tuyến đường biển, đường bộ ở Quảng Bình hòng cắt đứt các mạch máu chi viện vào miền Nam. Các lực lượng thanh niên xung phong, bộ đội thuộc các binh chủng phải ngày đêm bám trụ, chịu đựng, vượt qua nhiều gian khổ, hiểm nguy để đảm bảo cho các tuyến đường thông suốt.
Năm 1966, do yêu cầu chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ, cùng với việc mở đường 20 Quyết Thắng nối Đông-Tây Trường Sơn, phà Xuân Sơn do Ty Giao thông Quảng Bình phụ trách xây dựng và đi vào hoạt động. Đến tháng 12/1966 thì đại đội Cầu phà của Binh trạm 14 thuộc Đoàn 559 thành lập, lấy phiên hiệu là C16 và được giao nhiệm vụ đảm nhiệm bến phà này. Đại đội có 125 người, lực lượng chủ yếu là bộ đội công binh và thanh niên xung phong, phương tiện gồm ca nô và cầu phao, chủ yếu hoạt động từ 7 giờ tối hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau. Phà Xuân Sơn là một trong những trọng điểm bị đánh phá ác liệt, đây là điểm vượt sông Son của tuyến đường 15 chi viện cho chiến trường Miền Nam qua đường 20 Quyết Thắng. Đế quốc Mỹ đã tập trung đánh phá hết sức ác liệt cả ngày lẫn đêm hòng cắt đứt mạch máu giao thông này của ta.
Cuối năm 1966, nhằm “chia lửa” cho bến phà Xuân Sơn đồng thời phục vụ cho việc vận chuyển sức người, sức của cho chiến trường Miền Nam, bến phà B đã ra đời cách bến phà A (tức bến phà Xuân Sơn) khoảng 4 km. Bến phà được vinh dự mang tên Nguyễn Văn Trỗi, nhằm noi theo tấm gương anh hùng bất khuất của anh trước kẻ thù. Con đường rẽ qua phà bắt đầu từ đường 15 thuộc địa phận xã Phúc Trạch về thôn Trằm Mé, xã Sơn Trạch (nay là thị trấn Phong Nha) khoảng 1 km, nối Km số 0 của đường 20 Quyết Thắng. Cũng từ đó, bến đò ngang Trằm Mé trở thành bến đò Nguyễn Văn Trỗi, do bộ đội công binh đại đội 2, đại đội 4 và lực lượng thanh niên xung phong đảm nhiệm, ngày đêm làm nhiệm vụ đưa hàng trăm chuyến xe, hàng ngàn tấn vũ khí, đạn dược, hàng hóa cùng những đoàn quân từ Miền Bắc vượt sông thẳng tiến vào chiến trường Miền Nam chiến đấu.
Vị trí của bến phà Nguyễn Văn Trỗi trên bản đồ
Những tháng năm khói lửa
Bến phà Nguyễn Văn Trỗi là điểm nút vượt sông quan trọng, đảm bảo cho các hướng chi viện từ đường 12A, đường 15 và những tuyến đường khác lật cánh sang Tây Trường Sơn bằng con đường 20 Quyết Thắng. Sự xuất hiện của bến phà Nguyễn Văn Trỗi nhanh chóng được đưa vào tầm ngắm của các phi công bên kia chiến tuyến. Với vị trí hết sức quan trọng, bến phà Nguyễn Văn Trỗi trở thành một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những chiếc máy bay hiện đại, tối tân của không lực Hoa Kỳ như “thần sấm” (F105), “con ma” (F-4) hay “siêu pháo đài bay” B52 đều thay nhau điên cuồng trút xuống bến phà với đủ các loại bom tấn, bom tạ, bom từ trường, tên lửa khiến cho bến phà oằn mình rung chuyển, hai bên bến phà gần như tan hoang vì bom đạn quân thù.
Các loại máy bay tối tân nhất được Mỹ sử dụng để đánh phá các bến phà Xuân Sơn và bến phà Nguyễn Văn Trỗi hòng cắt đứt con đường chi viện của ta vào Miền Nam
Khu vực từ bến phà Xuân Sơn đến thôn Phong Nha có một hệ thống hang lèn được sử dụng và cải tạo đảm bảo an toàn đến mức tối đa về người và của như: hang Rục, hang Eo, hang Diêm, hang Hà Lời và đặc biệt là động Phong Nha. Cách bến phà khoảng 800, động Phong Nha khá rộng rãi và kiên cố. Với khẩu hiệu “động là nhà, bến phà là trận địa”, bộ đội ta đã mưu trí sử dụng động Phong Nha để làm nơi người trú ẩn, cất dấu kho tàng, hàng hóa, vũ khí, đạn dược, ca nô và phà an toàn sau mỗi đêm hoạt động ở bến. Sau một thời gian địch phát hiện được, chúng ném bom và bắn tên lửa vào cửa động, làm sạt lở một góc, phá hủy và làm hỏng nhiều phà, bắn cháy nhiều ca nô khi sang sông, phá hủy nhiều hàng hóa ở bãi tập kết phía Nam. Chính vì bị đánh phá ác liệt, công tác vận hành được phà, ca nô vào ra hang mỗi ngày để địch khỏi phát hiện trở nên cực kỳ vất vả, nhiều gian khổ và hi sinh. Có lần địch dội bom làm làm chết trên 40 người, nhưng ta vẫn giữ được phà, ca nô an toàn.
Để bảo vệ cho các đơn vị làm nhiệm vụ ở bến phà bảo đảm thông phà, thông tuyến, hai bên bờ sông Son được bố trí trận địa pháo cao xạ 12,7 ly, 37 ly, 57 ly đánh trả máy bay địch quyết liệt. Các lực lượng bộ đội pháo cao xạ đã phối hợp với lực lượng dân quân trực chiến 12,7 ly của xã Sơn Trạch hợp đồng chiến đấu, kiên cường bám trụ và đánh trả quân thù những đòn đau. Đặc biệt, Trung đoàn 218 đã bắn rơi 5 máy bay Mỹ, cùng với lực lượng dân quân địa phương bắt sống tại chỗ 3 phi công địch.
Ngoài việc đánh trả máy bay địch trên bầu trời, các chiến sỹ của ta phải tiến hành các hoạt động rà phá bom đạn ở khu vực xung quanh bến phà để đảm bảo an toàn cho hoạt động của người và phương tiện. Ngoài các loại bom tấn, bom tạ, quân địch còn thả nhiều thủy lôi cùng các loại bom từ trường, bom nổ chậm rất tinh vi, xảo quyệt nhằm gây khó khăn cho hoạt động của ta. Để giải quyết vấn đề này, bộ đội ta phải tiến hành các hoạt động rà phá rất vất vả và nguy hiểm. Ở mặt sông, các chiến sỹ phải dùng các thùng phi buộc thanh sắt có gắn nam châm thả trôi theo dòng nước, khi thanh sắt va vào bom đặc biệt là bom từ trường thì phát nổ; trong những trường hợp khẩn cấp, đơn vị phải thành lập những “đội cảm tử” thường xuyên rà phá bom bằng việc cho thuyền gắn thanh sắt có nam châm chạy với tốc độ cao trên sông. Nhiều chiến sỹ như Hồ Đăng Rích, Lê Đức Tín, Võ Thế Chơn…hăng hái tham gia tình nguyện phá bom từ trường, mỗi lượt làm công tác rà phá, đơn vị đều phải là lễ truy điệu sống cho những chiến sỹ cảm tử. Không ít đồng chí đã anh dũng hy sinh trong quá trình rà phá bom của địch, xương máu của các chiến sĩ đã ngã xuống hòa vào dòng Son đỏ thẫm, tô thắm thêm lá cờ anh dũng, kiên cường của quân và dân nhân quê hương Di sản.
Vỹ thanh
Chiến tranh cũng đã lùi xa hơn 40 năm, đất nước đã được hòa bình, thống nhất, sự sống cũng đã được hồi sinh và phát triển mạnh mẽ trên quê hương Di sản, nhưng những âm hưởng hào hùng, bi tráng của một thời đạn bom vẫn còn đó, bên trong những con sóng của dòng Son chảy qua bến phà Nguyễn Văn Trỗi năm nào. Để ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sỹ, các chiến sỹ bộ đội, thanh niên xung phong đã chiến đấu, bám trụ và anh dũng hi sinh để giữ được mạch máu giao thông luôn được thông suốt vì Miền Nam ruột thịt, di tích bến phà Nguyễn Văn Trỗi đã được dựng bia tưởng niệm và được Bộ Văn hóa – Thông tin ra quyết định công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia theo Quyết định số 236/VH-QĐ ngày 12/12/1986.
Các đoàn viên thanh niên của Đoàn Cơ sở Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng làm lễ viếng các anh hùng liệt sỹ tại bia tưởng niệm bến phà Nguyễn Văn Trỗi
Hôm nay, giữa nhịp sống đầy hối hả, bên bờ Nam sông Son hiền hòa xanh mát, tấm bia tưởng niệm của bến phà Nguyễn Văn Trỗi vẫn trầm mặc ở đó, lặng lẽ ôm trong mình bản tráng ca hào hùng của một thời lửa đạn. Nếu ai đó có đi qua đây, xin dừng chân đứng lại, thắp nén hương thơm tưởng nhớ những người con anh dũng của quê hương Di sản đã sống, chiến đấu và hy sinh quên mình cho khát vọng độc lập, tự do của quê hương, đất nước. Mãi mãi, khúc tráng ca của một thời hoa lửa ấy sẽ vẫn còn ngân nga, vang vọng trong từng lớp sóng của dòng Son và trong trái tim những người con trên quê hương Di sản hôm nay và mai sau.
Chân thành cám ơn bác Trần Thanh Chịnh – Thành viên Nhóm Bảo tồn thôn 2 Cù Lạc, thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã chia sẻ những tài liệu hữu ích giúp tác giả hoàn thành bài viết này.
Anh Tuấn