Du lịch: 0948346555 - Quản lý bảo vệ rừng: 0919052111 - Cứu hộ động vật: 0915659417

BQL Dự án VFBC tỉnh phối hợp với Tổ chức Fauna & Flora tổ chức Diễn đàn đối thoại đa ngành về quản lý tài nguyên rừng ở VQG Phong Nha – Kẻ Bàng

Ngày 15 tháng 5 năm 2024, Ban quản lý Dự án VFBC tỉnh phối hợp với Tổ chức Fauna & Flora tổ chức Diễn đàn đối thoại đa ngành về quản lý tài nguyên rừng ở Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.

Tham gia Diễn đàn, về phía BQL Vườn có đồng chí Đinh Huy Trí – Phó Giám đốc đại diện lãnh đạo BQL Vườn và các đồng chí đại diện lãnh đạo các phòng, đơn vị trực thuộc Ban quản lý Vườn. Về phía BQL Dự án VFBC có đồng chí Nguyễn Văn Duẫn – Phó Giám đốc đại diện lãnh đạo BQL Dự án, ông Lê Viết Nhân – đại diện tổ chức Fauna & Flora tại tỉnh Quảng Bình. Về phía chính quyền có đại diện Ủy ban nhân dân các huyện Quảng Ninh, Bố Trạch và các xã thuộc vùng đệm của VQG Phong Nha – Kẻ Bàng.

Tại buổi làm việc, các hiện trạng của việc chăn thả rông gia súc trên địa bàn VQG quản lý đã được đại diện các bên liên quan đưa ra thảo luận, thương lượng và đi đến thống nhất với một bộ giải pháp tiềm năng được ghi chép trong Biên bản Diễn đàn đối thoại đa ngành lần thứ 1, bao gồm:

  1. Đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khu vực chăn thả tập trung.
  2. Xây dựng mới hoặc cập nhật, bổ sung các quy định trong quy ước, hương ước quy định quản lý việc chăn nuôi gia súc.
  3. Tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật cho người dân về chăn nuôi gia súc.
  4. Tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, kỹ thuật dự trữ thức ăn, phương pháp sử dụng phân hữu cơ, sử dụng vắc xin.
  5. Xử lý một số trường hợp cố tình vi phạm (thả rông, kê khai không đúng, tác động, v.v.)
  6. Xây dựng các biển báo, biển cấm chăn thả rông trâu bò.
  7. Thay đổi tập quán từ chăn nuôi thả rông sang nuôi nhốt hoặc chuyển đổi nuôi các loại động vật khác như Dê, Lợn, Ong mật.
  8. Hỗ trợ giá vắc xin tiêm phòng dịch cho gia súc (các xã phối hợp cung cấp thông tin cho VQG)
  9. Thống kê số lượng, biến động đàn gia súc tại các thôn bản vào đầu quý I và III hàng năm, để có biện pháp quản lý phù hợp.
  10. Liên kết các hộ để chăn nuôi tập trung, có kiểm soát.
  11. Đề xuất chủ trương giảm số lượng đại gia súc nuôi trong vùng lõi VQG, khuyến khích phát triển chăn nuôi Dê
  12. Các hộ gia đình trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc. Làm chuồng trại tập trung để giữ trâu bò vi phạm.
  13. Bổ sung Quy chế 45 của UBND tỉnh (xây dựng quy định riêng cụ thể trong việc kiểm soát chăn thả gia súc ở khu vực VQG); đưa vào Quy chế quản lý khu du lịch Quốc gia (cấm việc chăn thả rông gia súc trong vùng quy hoạch khu du lịch Quốc gia).

Việc ký kết Biên bản Diễn đàn đối thoại đa ngành lần thứ 1 là cơ sở để các bên tham gia phối hợp thực hiện, được Hội đồng tham vấn đa ngành (MAC) và Tổ thư ký theo dõi và hỗ trợ.

Các thành viên tham gia Diễn đàn có nghĩa vụ triển khai thực hiện hoặc báo với người có thẩm quyền để triển khai thực hiện các giải pháp trên, vì mục tiêu phát triển chung và bền vững; duy trì và bảo tồn hiệu quả tài nguyên rừng, phát huy các giá trị Di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha – Kẻ Bàng.

BBT
Translate by Google »