Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây theo đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp, dễ gây thành dịch, tỷ lệ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời. Vi khuẩn này tạo nên một loại giả mạc trắng dai, bám chặt và lan nhanh ra bao phủ toàn bộ lớp niêm mạc của đường hô hấp. Độc tố do bạch hầu tiết ra tác động vào tim và các mô ngoại vi, gây nên tình trạng nhiễm trùng và nhiễm độc toàn thân.
Theo các chuyên gia y tế, có hai nguyên nhân gây tử vong ở bệnh nhân bạch hầu đó là: Độc tố tiết ra từ vi khuẩn bạch hầu tấn công vào các tế bào vật chủ, ngăn cản sự tổng hợp chuỗi Protein và gây chết tế bào; giả mạc vùng họng bít lấp đường thở.
Về phương thức truyền bệnh: Trực khuẩn bạch hầu có dạng hình que, sắp xếp thành đám, 2 đầu của trực khuẩn mầu tím, giống hình chùy. Thông thường vi khuẩn bạch hầu nhân lên trên hoặc gần bề mặt của màng nhầy của cổ họng. Do đó, bạnh hầu lây chủ yếu qua đường dịch tiết.
Lây truyền trực tiếp: Khi một người bị nhiễm bệnh hắt hơi hoặc ho sẽ phát ra một giọt nước có chứa mầm bệnh, những người ở gần đó có thể hít phải vi khuẩn bạch hầu. Bạch hầu lây lan nhanh chóng theo cách này, đặc biệt ở những nơi đông người.
Lây truyền gián tiếp: Thông qua vật dụng cá nhân chứa mầm bệnh. Một số trường hợp mắc bệnh bạch hầu từ việc chưa làm sạch các vật dụng mà người nhiễm bệnh đã sử dụng từ cốc uống nước chưa rửa của người bị nhiễm bệnh hoặc tiếp xúc với các giấy ăn mà người bệnh đã sử dụng…
Theo thông tin giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay, trên cả nước ghi nhận 6 ca mắc bạch hầu, trong đó tại tỉnh Hà Giang (3 ca); Nghệ An (1 ca) và Bắc Giang (2 ca). Trong đó, đã có ca tử vong và nhiều ca nghi ngờ do tiếp xúc gần với ca bệnh, nguy cơ bệnh lây lan ra cộng đồng rất cao.
Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu
Nhằm chủ động kiểm soát, ngăn chặn, không để lây lan, bùng phát bệnh bạch hầu, Ban Quản lý VQG Phong Nha – Kẻ Bàng (BQL Vườn) đã ban hành Công văn số 639/VQG ngày 16/7/2024 về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh bạch hầu. Theo đó, BQL Vườn yêu cầu các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện các nội dung sau:
Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong việc triển khai các giải pháp phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 402/KH-UBND ngày 08/3/2024 của UBND tỉnh về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh Quảng Bình năm 2024; Công văn số 1301/UBND-NCVX ngày 12/7/2024 của UBND tỉnh về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè năm 2024. Tăng cường tuyên truyền, vận động công chức, viên chức, lao động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu; hướng dẫn công chức, viên chức, lao động khi có dấu hiệu mắc bệnh phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời; thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng bệnh bạch hầu theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhất là tại các địa bàn có lưu hành bệnh hoặc nơi có tỷ lệ tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu thấp.
Đồng thời theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh để xử lý triệt để ổ dịch. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống bệnh bạch hầu tại đơn vị và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm./.