Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn quan tâm tới công tác bảo vệ môi trường. Tư duy xanh của Đại tướng không chỉ mang tầm chiến lược mà ngay từ những câu chuyện cụ thể cũng thể hiện được điều này. Đối với Phong Nha – Kẻ Bàng, Đại tướng đã đến thăm nói chuyện với nhóm thành viên khảo sát hang động từ năm đầu của thập niên 1990, thế kỷ 20.
Cuộc gặp gỡ giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các thành viên nhóm chuyên gia hang động thuộc Hội hang động Hoàng gia Anh tại Phong Nha – Kẻ Bàng vào năm 1992, khi ông Howard Limbert (chuyên gia hang động) cùng các cộng sự của mình có chuyến thám hiểm thứ hai tại Phong Nha – Kẻ Bàng, chuyến thám hiểm hang Tối, hang Vòm lần ấy phải bỏ dở nửa chừng vì một thành viên của đoàn bị ốm. Khi cả đoàn trở ra trạm y tế xã và đang chăm sóc người bệnh, thì một cán bộ UBND xã hỏi đoàn có muốn gặp một vị tướng của Việt Nam không? Howard Limbert và cả nhóm rất bất ngờ khi vài phút sau, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và mọi người xuất hiện. “Thú thật lúc đó tôi không biết rõ về Đại tướng, nhưng tôi vô cùng sửng sốt khi chứng kiến ông già tóc bạc nói chuyện lưu loát với chúng tôi bằng tiếng Pháp do đoàn không có phiên dịch tiếng Anh. Thế là vợ tôi trở thành phiên dịch cho đoàn của Đại tướng và nhóm thám hiểm…” – ông Howard Limbert bồi hồi nhớ lại . Trong bữa trưa giản dị với cơm nắm bên dòng sông Son buổi ấy, “ông già tóc bạc” và Howard Limbert trò chuyện rất nhiều về du lịch và phát triển du lịch ở Quảng Bình. “Đại tướng rất am tường về hệ núi đá vôi Phong Nha – Kẻ Bàng cũng như sự hình thành của hang động. Đại tướng cũng kể về nhiều hang động trên dãy Trường Sơn mà ông đã gặp trong thời kỳ chiến tranh. Chính ý kiến của Đại tướng đã giúp đoàn thám hiểm của chúng tôi hoàn thiện hơn bản đồ về hang động của Phong Nha – Kẻ Bàng như ngày hôm nay” – ông Howard Limbert nói. Kết thúc buổi gặp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết mấy dòng gửi ông Howard Limbert và đoàn thám hiểm: “Nghiên cứu hang động Karst phục vụ du lịch và các ngành kinh tế và khoa học là một công tác quan trọng, cần làm cho thật tốt. Luôn luôn chú trọng bảo vệ môi trường”. Bút tích lá thư ấy, đến giờ ông vẫn còn giữ, Howard Limbert tâm sự: “Đó là một ý kiến quý báu và nó mang lại hiệu quả nhất từ trước đến nay đối với tôi và các thành viên đoàn thám hiểm. Thực hiện tốt công tác nghiên cứu hang động để phục vụ du lịch và chú trọng bảo vệ môi trường chính là tiêu chí của phát triển bền vững, khái niệm mà phải đến những năm gần đây mới thực sự phổ biến ở Việt Nam”.
Từ đó đến nay, các chuyên gia hang động có những phát hiện hết sức quan trọng, công bố có 03 hệ thống động động: hệ thống Phong Nha, hệ thống Vòm và hệ thống động Nước Moọc trong đó có 404 động động được khảo sát, định vị, mô tả với tổng chiều dài trên 231 km góp phần cho việc Uỷ ban Di sản thế giới công nhận Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng là Di sản thế giới năm 2003 và 2015.
Xuân Mùi