Du lịch: 0948346555 - Quản lý bảo vệ rừng: 0919052111 - Cứu hộ động vật: 0915659417

Đa dạng văn hóa tộc người khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng

Hầu hết các dân tộc thiểu số của tỉnh Quảng Bình đều có mặt và sinh sống tập trung trong khu vực vùng đệm của VQG Phong Nha – Kẻ Bàng (vùng đệm VQG có diện tích 220.055,34 ha thuộc 13 xã của 3 huyện Bố Trạch, Minh Hóa và Quảng Ninh), ngoài người Kinh chiếm phần đông đảo, trong khu vực có hai dân tộc thiểu số chính là dân tộc Chứt (gồm các nhóm người Sách, Mày, Rục, A Rem, Mã Liềng) và dân tộc Bru – Vân Kiều (gồm các nhóm người Vân Kiều, Trì, Khùa, Ma Coong). Nhưng một điều đặc biệt là các dân tộc này thường phân bố ở nhiều địa phương khác nhau hoặc đôi khi sống xen kẽ lẫn nhau trong cùng một bản, mỗi xã th­ường có một vài tộc ng­ười cùng làm ăn sinh sống, đa dạng về ngôn ngữ và có nhiều bản sản văn hóa riêng.

1. Dân tộc Chứt

Có thể nói, ở vùng đất này lớp dân cư có mặt sớm nhất phải kể đến là các nhóm người Sách, Mày, Rục, Arem, Mã Liềng thuộc dân tộc Chứt, phân bố chủ yếu ở 2 huyện Minh Hóa và Bố Trạch trong khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng, họ là những cộng đồng dân cư nói ngôn ngữ Việt – Mường. Điều đặc biệt là dân tộc này tách khỏi cộng đồng tiền Việt – Mường trước khi Mường tách khỏi Việt vào khoảng thế kỷ thứ V-VI. Danh xưng “Chứt” có nghĩa là “Rèm đá”, “Núi đá”, các nhà dân tộc học đã khảo sát và đưa ra được các dẫn liệu về nhân chủng học của người Chứt như sau: Tầm vóc tương đối thấp, da sáng màu hoặc ngăm trung bình, tóc đen và thẳng, thường có ánh màu xanh, đầu ngắn, trắc diện mặt ngắn và phẳng, gò má có độ dô trung bình, khe mắt xách khá lớn, sống mũi đa số thẳng, môi tương đối dày hơn các nhóm khác.

Trẻ em dân tộc Rục ở xã Thượng Hóa, Minh Hóa (Ảnh: Peter Bille Larsen)

Trong các nhóm người thuộc dân tộc Chứt thì người ARem và Rục có ít nhất và cũng là hai trong số các dân tộc nhỏ nhất so với toàn bộ các nhóm dân tộc khác trên đất nước Việt Nam, từ x­a xưa họ đã quen sống cách ly với cộng đồng ở vùng núi đá hoặc trong hang đá nên đời sống của hai tộc người này tương đối giống nhau trong sản xuất, các phong tục và cách sinh hoạt, đời sống của họ còn giữ tính hoang sơ nhất, sống cách ly khỏi các cộng đồng dân tộc một thời gian dài nên họ vẫn sống dựa vào n­ương rẫy, săn bắn, hái lượm và bắt cá trong suối, nhà của họ rất đơn giản và thô sơ, có hai loại nhà chính là nhà sàn và nhà đất (Nhà sàn gắn liền với nhóm Mày, Mã Liềng, Arem; nhà đất gắn liền với nhóm Sách, Rục). Trước đây người ARem sống từng nhóm 10 – 12 nhà rải rác ở các vùng gần hang Đại Cáo, hang Người lùn, hang Duật… còn người Rục sống thành nhóm nhỏ hơn khoảng 5-7 hộ ở các thung lũng hoặc các hang đá ở núi Ma Ma.

Dân tộc Arem tại xã Thượng Trạch, Bố Trạch (Ảnh: Ngọc Thức)

Đây là dân tộc còn lưu giữ rất nhiều yếu tố văn hóa nguyên thủy, lạc hậu như đời sống du canh du cư, săn bắn, đánh cá, hái lượm (do hoạt động kinh tế nương rẫy chọc lỗ tra hạt trên dốc núi, nên năng suất cây trồng thấp, rủi ro nhiều, nguồn thu từ trồng trọt chỉ nuôi sống họ vài ba tháng). Làng bản người Chứt quy mô nhỏ (vài chục nóc nhà, thậm chí vài ba nóc nhà), nhà cửa hết sức tạm bợ (trừ người Sách, các tộc người còn lại sống trong những ngôi nhà sàn được làm hết sức đơn sơ), trang phục của người Chứt còn rất thô sơ, họ thường lấy vỏ cây sui làm áo khố (một loài cây có nhựa mủ độc nhưng vỏ có nhiều sợi), trang sức của họ chủ yếu là bằng vỏ ốc núi, vuốt hổ, răng nanh lợn rừng, thức ăn chủ yếu là lúa, ngô, sắn và các loại rau, quả, động vật nhỏ trong rừng, dưới suối, đặc trưng là món “cơm Pồi, bột nhúc”, uống nước chè xanh, rượu cần, rượu đoác. Ngoài ra, còn có nhiều yếu tố văn hóa đặc trưng độc đáo khác của đồng bào trong các nghi lễ cúng liên quan đến chu kỳ sản xuất, chu kỳ đời người, cách chữa bệnh bằng hình thức “thổi” có tính ma thuật …

Về văn hoá dân gian, dân tộc Chứt trong quá trình lao động sản xuất đã sáng tạo ra những giá trị văn hóa tinh thần, thông qua những hình thức văn nghệ dân gian rất đặc sắc, đó là những câu chuyện cổ như mô tả về “Thần sấm, thần mây, thần núi, thần gốc cây”, có những bài hát phổ biến, nhất là làn điệu “Kà tơm – tà lênh” nghĩa là “Con trâu đi cày” được sử dụng với một số nhạc cụ dân tộc như­ khèn, đàn ống (Đàn ống gần giống như­ đàn nhị của người Kinh được làm bằng cây lồ ô). Ngoài ra còn có một số nhạc cụ khác như­ sáo (pi), ống thổi (pìa), tù và, chiêng … các làn điệu dân ca và nhạc cụ được sử dụng vào ngày lễ tết, đám c­ưới, hoặc được thầy mo sử dụng trong lễ cúng cơm mới, gọi hồn,…

Về tôn giáo tín ng­ưỡng, đối với dân tộc Chứt còn tồn tại nhiều phong tục tập quán nh­ư các nghi lễ, các ma thuật, kiêng kỵ,… mỗi năm người Chứt có 3 lần cúng tế nông nghiệp: lần thứ nhất là lễ làm mùa, lần thứ hai là lễ lấp lỗ, lần thứ ba là lễ cúng cơm mới. Dân tộc Chứt còn giữ tương đối nhiều hình thức kiêng kỵ rất phức tạp, như­ đi vào rừng thì tên các loài động vật phải gọi tên lóng và phải im lặng sợ ma rừng phật ý. Khi đàn bà sinh đẻ phải vào trong lán ở bìa rừng do người chồng làm để sinh nở, sau khi sinh nở chỉ có hai vợ chồng tự chăm sóc nhau, sau từ 10 đến 15 ngày hai vợ chồng mới được trở về nhà sau khi đã làm một số thủ tục tà phép (phong tục này còn tồn tại ở một số bản của nhóm người Sách ở xã Dân Hoá, huyện Minh Hóa)….

Tuy nhiên, ngày nay các yếu tố văn hóa trong đời sống hằng ngày của các dân tộc cũng dần thay đổi và chịu ảnh hưởng nhiều của người Kinh, cuộc sống hiện tại với các mối quan hệ ngày càng mở rộng trên tất cả các lĩnh vực đang làm cho các giá trị văn hóa truyền thống của các tộc người ở khu vực này bị mai một và đứt gãy, chỉ có một số bản vẫn giữ lại các phong tục cổ x­ưa, như­ bản Arem (Tân Trạch), bản người Rục ở Yên Hợp (Th­ượng Hóa) và một số bản người Sách ở xã Dân Hoá (Minh Hóa)…. việc làm quan trọng là cần phải bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc với việc bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên của Di sản Thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha – Kẻ Bàng.

2. Dân tộc Bru – Vân Kiều

Lớp dân cư thứ hai có mặt ở Phong Nha – Kẻ Bàng gồm nhóm người Vân Kiều, Trì, Khùa, Macoong thuộc dân tộc Bru-Vân Kiều, chỉ mới xuất hiện ở vùng này vào khoảng thế kỷ XVII (họ chủ yếu ở Lào di cư sang) và cộng đồng dân cư người Việt, trong đó có nhóm người Nguồn phân bố chủ yếu ở hai huyện Minh Hóa và Tuyên Hóa, Quảng Bình. Còn bộ phận người Việt cư trú ở vùng kề cận Phong Nha – Kẻ Bàng phân bố ở các làng Mé, Trằm, Hà Lời, Na, Phong Nha… Họ vốn là những cộng đồng dân cư ở vùng Thanh – Nghệ – Tĩnh, vùng đồng bằng Bắc Bộ và cả vùng đồng bằng Quảng Trạch, Bố Trạch lên định cư lập làng ở các vùng phụ cận Phong Nha – Kẻ Bàng vào các thời kì khác nhau (có thể từ thế kỷ XI theo “chiếu mộ dân” của vua Lý Nhân Tông vào lập nghiệp ở đây. Về sau, đến thế kỷ XVI gắn với sự kiện Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa và Trịnh – Nguyễn phân tranh lấy sông Gianh làm giới tuyến). Có thể thấy, dấu ấn văn hoá truyền thống các tộc người thiểu số khu vực PN-KB chính là sắc thái văn hoá tộc người, là sự giao thoa văn hoá lãnh thổ, vùng miền, là văn hoá núi rừng với việc bảo lưu những hoạt động kinh tế – xã hội thời nguyên thuỷ, là văn hoá thảo mộc – thực vật…­

Trong số các nhóm người thuộc dân tộc Bru – Vân Kiều thì nhóm người Vân Kiều có số lượng lớn nhất, phân bố dọc dãy núi Trường Sơn; Nhóm người Trì và Ma Coong có số lượng rất ít phân bố ở xã Thượng Trạch, Tân Trạch huyện Bố Trạch và một phần ở Lào; Nhóm Khùa phân bố tập trung ở xã Dân Hóa của huyện Minh Hóa. Sinh hoạt văn hóa dân gian của người Vân Kiều mang tính chất cộng đồng, có ảnh hưởng bởi văn hóa ngoại lai và có ít nhiều ảnh hưởng văn hóa Lào, ngày nay việc giao lưu văn hóa với người Kinh phần nào ảnh hưởng đến văn hóa của cộng đồng Vân Kiều, sinh hoạt văn hóa thường là những đêm hát đối đáp giữa nam nữ thanh niên, trong đám cưới, trong các ngày lễ hội…bằng các làn điệu dân ca với các nhạc cụ độc đáo của riêng họ.

Dân tộc Bru-Vân Kiều tại bản Đoòng (Ảnh: Ngọc Kiên)

Về tôn giáo tín ng­ưỡng, đồng bào dân tộc Vân Kiều thường tin vào các thần núi, thần sông, việc thờ cúng tổ tiên rất phổ biến và được chú trọng. Ngoài ra, họ còn sử dụng một số ma thuật chữa bệnh, ma thuật làm hại, ma thuật tình yêu; trong sinh hoạt thường có một số kiêng kỵ như­: không nằm ngang nhà, kiêng làm việc lớn ngày 30, mồng 1…. Những giá trị văn hóa đặc trưng của họ là Lễ hội đập trống của tộc người MaCoong đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa Phi vật thể quốc gia, lễ hội mừng cơm mới…và các hình thức ca múa nhạc dân gian đặc sắc, các ngôi làng phân bố bên cạnh những con suối hòa mình vào màu xanh của núi rừng, đó là những ngôi nhà sàn, nhà kho, chòi lúa, đó là các truyện cổ, truyền thuyết dân gian, mà nội dung hài hước luôn là điểm nhấn trong kho tàng văn hóa dân gian của họ.

Hiện nay, ở đồng bào các dân tộc thiểu số khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng đang tồn tại hỗn hợp nhiều loại hình nhà ở, trong đó xu hướng loại hình nhà đất đang dần thay thế ngôi nhà sàn truyền thống. Các món ăn truyền thống như canh măng chua nấu với cá vốn quen thuộc với đồng bào, nhưng ngày nay rất hiếm xuất hiện trong các bữa ăn. Thay thế vào đó là các món ăn và nguyên liệu chế biến được mua từ người Kinh, ảnh hưởng cách chế biến từ người Kinh. Mặt khác, trang phục cũng như công cụ sản xuất, vật dụng sinh hoạt đã có nhiều biến đổi mang dáng dấp của người Kinh. Đồng bào các dân tộc thiểu số đang dần được tiếp cận với xã hội văn minh, những quan niệm về thế giới thần linh mang nặng mê tín dị đoan như trước đã giảm bớt.

Đặc biệt, cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Phong Nha – Kẻ Bàng, mặc dù các yếu tố văn hóa truyền thống bị vỡ vụn, mai một, đứt gãy nhưng những gì còn lại mang đặc trưng về văn hóa núi rừng, nguyên thủy như “Lễ hội đập trống của người Macoong; lễ buộc chỉ tay của người Khùa, lễ mừng cơm mới của người Vân Kiều…”; cấu trúc làng bản ở trên sườn núi cao của người Mày, người Khùa; các trang phục bằng vỏ cây của người Rục, Mã Liềng; những món ăn ốc núi, món cơm ngô, những lễ nghi liên quan đến sản xuất nương rẫy, đến chu kỳ đời người diễn ra thường xuyên trong từng bản làng,… tất cả là những minh chứng đậm nét nhất trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các cộng đồng dân cư nơi đây. Đối với nhóm người Nguồn ở Phong Nha – Kẻ Bàng vẫn còn bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của người Việt về nhà cửa, ẩm thực, trang phục, văn nghệ dân gian, về phong tục tập quán… hơn nhiều vùng miền khác trong cả nước. Ví dụ như điệu hò thuốc, hò lĩa, hát pồi, các ngôi nhà rội, nhà rường, nhà khung cụi, các miếu thờ Tiên, Bụt, các món ăn như ốc vặn (ốc tực), ốc núi, cơm pồi, trang phục “…áo dài 5 thân hoặc 4 thân cổ cứng, quần chân què, đũng chéo. Khi mặc vấn chéo, túm trước bụng, có dải buộc gọi là chạc lưng” … là một minh chứng về việc “hóa thạch ngoại biên” văn hóa người Việt.

Lễ hội đập trống của tộc người MaCoong tại xã Thượng Trạch, Bố Trạch

Bên cạnh những nét đẹp văn hoá, chúng ta cũng cần cảnh báo rằng sắc thái văn hoá tộc người ở đây đang dần bị lãng quên, do ảnh hưởng của nền kinh tế lạc hậu, sự giao lưu ảnh hưởng văn hoá ngoại lai và các tác động khác nên nhiều giá trị văn hoá của đồng bào dân tộc ở đây bị mai một đi rất nhiều, có những lĩnh vực chỉ còn lại trong tâm trí của con người, có những lĩnh vực đang tồn tại nhưng không có điều kiện để thực thi và nếu có cũng rất hạn chế (Ví dụ như tục hát dân ca của người Sách, người Mày, điệu múa của người Vân Kiều, Ma Coong không còn phổ biến nữa, người ta đã dần quên lãng nó và thay thế bằng các hình thức ca nhạc hiện đại, đa số thanh niên thích nhạc xanh, nhạc rock, nhạc vàng mà quên đi những câu hát “Cà tơm, tà lênh” của ông cha để lại).

Đặc trưng văn hoá tộc người khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng được thể hiện một cách đa dạng và phong phú, đời sống văn hoá của các dân tộc Chứt, Bru-Vân Kiều là một bức tranh toàn cảnh đầy sống động về văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể của các nhóm người Sách, Rục, Mày, Arem, Vân Kiều, Ma Coong, Khùa, Trì…. Mặc dù trong điều kiện thiếu thốn, lạc hậu nhưng các dân tộc vùng Phong Nha – Kẻ Bàng đã để lại một kho tàng văn hoá hết sức phong phú và đa dạng, kể cả nội dung lẫn loại hình. Có thể nói, may mắn lớn nhất của Quảng Bình là đã sở hữu một Di sản Thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha – Kẻ Bàng chứa đựng một tổng thể các giá trị nổi bật có tính toàn cầu không chỉ về tự nhiên mà còn cả về văn hoá. Chính 2 yếu tố tự nhiên và văn hoá đan xen, hoà quyện lẫn nhau đã làm nên tính toàn vẹn và toàn diện của một khu vực, cần được bảo tồn và phát huy một cách có hiệu quả./.

Tài liệu tham khảo:

1. Phong Nha – Kẻ Bàng từ tư liệu tổng quan – Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường, năm 2002.

2. Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa các dân tộc vùng Phong Nha – Kẻ Bàng” – TS Nguyễn Thế Hoàn, Trường Đại học Quảng Bình, năm 2007.

3. “Di sản văn hóa tộc người trong khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng với hoạt động du lịch” – Nguyễn Văn Mạnh, Tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ, số 3-2008.

4. “Biến đổi văn hóa các tộc người thiểu số ở tỉnh Quảng Bình trong giai đoạn hiện nay” – Nguyễn Văn Mạnh, Tạp chí Khoa học, Đại học Huế số 54-2009.

5. “Những giá trị về đặc trưng văn hóa tộc người ở khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng” – PGS.TS Nguyễn Văn Mạnh, TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ số 3-2013.

6. “Vài nét về một số lễ hội của người dân bản Arem xã Tân Trạch” – Trần Thế Hùng, Phạm Thị Cảnh, tạp chí Văn hóa Quảng Bình số 3-2019.

Mai Thùy

Translate by Google »