Du lịch: 0948346555 - Quản lý bảo vệ rừng: 0919052111 - Cứu hộ động vật: 0915659417

Hệ thống Di tích lịch sử trên Đường Hồ Chí Minh trong lòng Di sản Thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng

Quảng Bình là một trong những điểm xuất phát quan trọng nhất của hệ thống đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh (đường 559), tuyến vận chuyển quan trọng nhất chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam trong cuộc chiến tranh thần thánh chống đế quốc Mỹ của dân tộc ta. Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng nằm trong vùng sinh thái Bắc Trường Sơn thuộc địa phận các huyện Bố Trạch, Minh Hoá và Quảng Ninh tỉnh Quảng Bình, là nơi đã từng tồn tại và đang hiện diện cả một quần thể di tích lịch sử, văn hóa trong chiến tranh, chứa trong lòng một phần máu thịt của con đường huyết mạnh đầy huyền thoại, đó là hệ thống Di tích lịch sử Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Tháng 1 năm 1959, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 (khóa II) mở rộng, do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, họp tại Hà Nội, xác định: “Nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là giải phóng miền Nam, phương pháp cách mạng và phương thức đấu tranh là dùng bạo lực cách mạng, từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, đánh đổ quyền thống trị của đế quốc, phong kiến, trước mắt là đánh đổ tập đoàn thống trị độc tài Ngô Đình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ, thiết lập chính quyền cách mạng”. Thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng và Nghị quyết của Tổng Quân ủy Trung ương, cùng với việc đẩy mạnh xây dựng quân đội cách mạng chính quy từng bước hiện đại trên miền Bắc, Bác Hồ, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định mở tuyến đường chiến lược vận tải quân sự từ miền Bắc xuyên qua dãy núi Trường Sơn trùng điệp và hùng vĩ để chi viện binh lực cho cách mạng miền Nam. Ngay từ khi có chủ trương chi viện chiến lược cho cách mạng miền Nam, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã đặt nhiệm vụ mở đường, bảo vệ đường là vấn đề tiên quyết, đồng thời quyết định các trục đường vào Nam đều xuất phát từ tỉnh Quảng Bình, chạy theo các tỉnh Đông, Tây Trường Sơn vào đến ngã ba biên giới Đông Dương.

Ngày 19/5/1959, Thường trực Tổng Quân uỷ Trung ương quyết định triệu tập Ban cán sự, chính thức giao nhiệm vụ cho Đoàn mở đường Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam, vận chuyển gấp một số hàng quân sự theo yêu cầu của Liên khu 5, tổ chức đảm bảo cho 500 cán bộ chiến sỹ được tuyển chọn từ các sư đoàn miền Nam tập kết, tổ chức thành tiểu đoàn 301 làm nhiệm vụ “Mở đường Trường Sơn” hành quân vào chiến trường làm nòng cốt xây dựng lực lượng chủ lực. Với chiến lược “Bí mật, chủ động tiến công”, Bộ Chính trị, Tổng Quân uỷ yêu cầu Đoàn tuyệt đối giữ bí mật, không để đối phương biết được sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam, dù chỉ là một hoạt động nhỏ lẻ, đây là vấn đề có tính nguyên tắc thực hiện theo phương châm “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”.

Hệ thống Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh mang ba nhiệm vụ lịch sử trọng tâm: Là tuyến vận tải quân sự chiến lược cho chiến trường ba nước ở phần phía Nam bán đảo Đông Dương; Là một hướng chiến trường có vai trò quan trọng trong các đòn chiến lược, phối hợp chiến đấu giữa ba nước, với khẩu hiệu “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến” quyết định của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; Là một căn cứ hậu cần chiến lược rộng lớn, vững chắc cho các chiến trường ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia.

Ra đời tháng 5 năm 1959, Đoàn được mang phiên hiệu Đoàn 559 và con đường mang tên “Đường 559” cũng ra đời từ đó, qua năm tháng hình thành tuyến chi viện đã thay đổi thành “Đường Trường Sơn” , “Đường mòn Hồ Chí Minh”. Đến nay con đường được ấn định vào lịch sử bằng tên gọi “Đường Hồ Chí Minh”. Đường Hồ Chí Minh không chỉ là một con đường tiếp tế, mà là biểu tượng của cả cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam.

Một đoạn đường Trường Sơn trong lòng Di sản

Trong hệ thống đường Hồ Chí Minh ở Quảng Bình tập trung nhiều tuyến đường quan trọng, là nút chiến lược về giao thông vận tải chi viện cho tiền tuyến, đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói “Quảng Bình phải có nhiều đường cho chủ động, kẻo địa hình như vậy dễ bị tắc nghẽn”. Tại khu vực VQG Phong Nha – Kẻ Bàng có những địa danh quen thuộc trên tuyến đường 20 Quyết Thắng, đường 12A, đường 15, như: Trà Ang, trọng điểm A.T.P (cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích), Tổng kho NH, Bến Phà Xuân sơn, Bến phà B Nguyễn Văn Trỗi, Động Phong Nha, Dốc Ba Thang, Hang Thông tin, hang Tám Cô, hang Cô Y Tá, Hang Chín tầng, Khe Ve, ngầm khe Rinh, Bãi Dinh, La Trọng, Cổng Trời, Đồi Cha Quang, Đèo Mụ Giạ, trận địa Nguyễn Viết Xuân, Đèo Đá Đẽo, Sân bay Khe gát…và các hang động tại hai xã Hóa Tiến, Hóa Thanh là nơi bộ đội Trường Sơn (559) dùng làm Sở chỉ huy, đây cũng là nơi dự trữ lương thực thực phẩm, xăng dầu, nơi xuất phát và hậu cứ của nhiều binh đoàn, sư đoàn chi viện cho chiến trường. Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử như một con đường huyền thoại, nó là con đường thống nhất, nơi thử thách ý chí quyết tâm, lòng dũng cảm, sự sáng tạo và sức chịu đựng của Bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và các lực lượng đã từng sống, chiến đấu trên tuyến đường này, họ đã trở thành một “lực lượng gang thép, một tập thể anh hùng” hoàn thành trọn vẹn và xuất sắc sứ mệnh lịch sử mà Đảng, Bác Hồ, Tổ quốc giao phó; góp phần tích cực cùng cả nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chi viện chiến lược, một nhân tố quyết định để đưa sức mạnh cả nước vào cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Con đường Hồ Chí Minh cũng là con đường của tinh thần đoàn kết quốc tế giữa ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia, thắng lợi trong việc xây dựng tuyến vận tải chiến lược đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh là một trong những thành công lớn trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng, Quân đội và nhân dân ta.

Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Tư lệnh trưởng Bộ Tư lệnh 559, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng đánh giá: “Đường Hồ Chí Minh ở Quảng Bình là trung tâm của trung tâm đầu mối xuất phát của Đường Hồ Chí Minh quốc gia”; nơi biểu hiện tập trung chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và tinh thần “Quyết tâm đánh giặc Mỹ xâm lược”.

Đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ trên đường 20 Quyết Thắng

Sự nghiệp cứu nước của dân tộc ta đã kết thúc thắng lợi và đi vào lịch sử như một bản hùng ca bất tử, trên tuyến Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh đã hình thành một hệ thống Di tích Quốc gia đặc biệt quan trọng, khởi phát và xuyên qua trong lòng Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Di tích lịch sử Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh được công nhận là “Di tích quốc gia đặc biệt” tại Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 09/12/ 2013 của Thủ tướng Chính phủ). Ngày nay, các Di tích lịch sử trên đường Hồ Chí Minh đã trở thành những địa danh lịch sử văn hóa lưu niệm, khắc sâu bao sự kiện, bao chiến công hiển hách của bộ đội Trường Sơn, là biểu tượng cao cả của tinh thần quyết chiến, quyết thắng, xả thân, hy sinh tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc./.

Mai Thùy

 

Translate by Google »