Du lịch: 0948346555 - Quản lý bảo vệ rừng: 0919052111 - Cứu hộ động vật: 0915659417

Hội thảo khoa học đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu đa dạng sinh học hệ thống hang động Sơn Đoòng Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình phục vụ bảo tồn và phát triển bền vững”

Ngày 09/8/2024, tại Khách sạn Sài Gòn – Phong Nha (thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam phối hợp với Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng tổ chức hội thảo khoa học đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu đa dạng sinh học hệ thống hang động Sơn Đoòng Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình phục vụ bảo tồn và phát triển bền vững”, mã số ĐTĐL.CN-113/21. Mục tiêu của hội thảo nhằm trao đổi, thảo luận các kết quả đạt được trong 03 năm thực hiện đề tài và tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện các báo cáo và sản phẩm của đề tài.

Tham dự Hội thảo, về phía Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng có đồng chí Phạm Hồng Thái – Giám đốc BQL Vườn, đồng chí Đinh Huy Trí – Phó Giám đốc BQL Vườn cùng đại diện lãnh đạo các phòng, đơn vị trực thuộc. Về phía Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam có PGS.TS Vũ Văn Liên – Phó Tổng Giám đốc Bảo tàng – Chủ nhiệm đề tài; PGS.TS Đỗ Văn Trường – Chuyên gia nghiên cứu thực vật; PGS.TS Trần Thị Thanh Bình – Chuyên gia nghiên cứu động vật không xương sống; TS. Dương Văn Tăng – Chuyên gia nghiên cứu bò sát, lưỡng cư và các thành viên nhóm thực hiện đề tài. Về phía Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (đơn vị khai thác tuyến du lịch Sơn Đoòng) có ông Nguyễn Anh Đức – Giám đốc kinh doanh.

Các kết quả nghiên cứu cho thấy, trong hang Sơn Đoòng và vùng phụ cận có sự hiện diện của khoảng 510 loài động vật, bao gồm 133 loài động vật có xương sống (14 loài Thú, 79 loài Chim, 15 loài Cá, 24 loài Bò sát, 01 loài Lưỡng cư) và 377 loài động vật không xương sống (64 loài Chân khớp hình nhện, 213 loài côn trùng, 25 loài giáp xác, 53 loài Thân mềm chân bụng, 22 loài Nhiều chân) và 213 loài thực vật thuộc 134 chi của 68 họ.

Đề tài đã bổ sung cho danh lục động vật Việt Nam ít nhất 01 loài nhện, 02 giống và 02 loài côn trùng, 01 giống và 09 loài ốc cạn; bổ sung cho danh lục động vật VQG Phong Nha – Kẻ Bàng 12 loài bướm, 14 loài ngài, hơn 40 loài cánh cứng chân chạy, 18 loài ốc cạn, 06 loài rết. Đặc biệt, kết quả nghiên cứu đã phát hiện 01 loài mới cho khoa học vừa được công bố trên Zootaxa – Tập san khoa học quốc tế dành cho các nhà phân loại sinh vật đó là loài thằn lằn ngón hang va (Cyrtodactylus hangvaensis). Ngoài ra, các nghiên cứu cũng cho thấy, có thể có nhiều loài mới cho khoa học sẽ tiếp tục được công bố, trong đó có ít nhất 01 loài ốc cạn đã được mô tả là loài mới, hiện đang chờ phản biện và công bố trên tạp chí quốc tế.

Trong phần thảo luận, các đại biểu tham dự đều đánh giá cao các nội dung và kết quả nghiên cứu của đề tài tại Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Đề tài đã có nhiều đóng góp quan trọng về mặt khoa học giúp Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng có cơ sở để thực hiện các biện pháp quản lý, bảo tồn và khai thác hang Sơn Đoòng và các hang động lân cận một cách bền vững và hiệu quả. Đề tài cũng đã góp phần làm nổi bật tính đa dạng sinh học và những giá trị tiềm năng cho nghiên cứu về đa dạng sinh học trong hang động ở Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Đặc biệt, đề tài đã đã xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học tương đối đầy đủ cho động Sơn Đoòng và vùng phụ cận. Đây là cơ sở khoa học quan trọng khẳng định giá trị ngoại hạng toàn cầu của hang Sơn Đoòng không chỉ ở khía cạnh về địa chất, cảnh quan hùng vĩ mà còn ở khía cạnh về đa dạng sinh học và các giá trị thẩm mỹ độc đáo, hiếm có

Một số hình ảnh tại hội thảo:

Đồng chí Đinh Huy Trí – Phó Giám đốc BQL Vườn phát biểu tại hội thảo (Nguồn: BTTNVN)

PGS.TS Vũ Văn Liên – Phó Tổng Giám đốc Bảo tàng TNVN – Chủ nhiệm đề tài phát biểu tại hội thảo (Nguồn: BTTNVN)

Thành viên thực hiện nhiệm vụ trình bày báo cáo (Nguồn: BTTNVN)

Góp ý, trao đổi của các đại biểu tại Hội thảo (Nguồn: BTTNVN)

Các đại biểu chụp hình lưu niệm (Nguồn: BTTNVN)

Phương Lan
Translate by Google »