Ngày 30/6/2025, tại thủ đô Hà Nội, Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Tham vấn xây dựng hồ sơ đề cử Khu dự trữ sinh quyển thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng”. Hội thảo là sự kiện quan trọng trong lộ trình hướng tới mục tiêu đưa Phong Nha – Kẻ Bàng gia nhập Mạng lưới các Khu dự trữ sinh quyển thế giới do UNESCO công nhận, qua đó khẳng định vị thế của Di sản thế giới trong công tác bảo tồn thiên nhiên, gìn giữ văn hóa bản địa và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội bền vững của tỉnh Quảng Bình nói riêng, Việt Nam nói chung.
Tham dự Hội thảo có Ngài Jonathan Baker – Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương; đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Tĩnh và VQG Vũ Quang; các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế; lãnh đạo một số Khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam. Hội thảo đã trở thành diễn đàn cởi mở, quy tụ nhiều ý kiến chuyên sâu, giàu tâm huyết và trách nhiệm nhằm hoàn thiện hồ sơ đề cử theo đúng các tiêu chí nghiêm ngặt của UNESCO.
Toàn cảnh Hội thảo
Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, nơi hội tụ những giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học và các quá trình sinh thái – sinh học, đã hai lần được UNESCO ghi danh là Di sản Thiên nhiên thế giới vào các năm 2003 và 2015. Không chỉ nổi tiếng bởi vẻ đẹp kỳ vĩ của hệ thống hang động, rừng nguyên sinh và cảnh quan thiên nhiên tráng lệ, Phong Nha – Kẻ Bàng còn là vùng đất giàu bản sắc văn hóa với nhiều giá trị truyền thống đặc sắc của các cộng đồng dân cư bản địa, cùng hệ thống di tích lịch sử – khảo cổ học phong phú. Tiêu biểu là các di chỉ văn hóa thời tiền sử, Chămpa, Việt cổ; căn cứ địa kháng chiến chống Pháp của vua Hàm Nghi vào cuối thế kỷ XIX; và hàng loạt di tích ghi dấu thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những giá trị này đã được Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt từ năm 2009 và tiếp tục được bảo tồn, phát huy hiệu quả đến nay.
Trong hơn hai thập kỷ kể từ khi được công nhận Di sản thế giới, Phong Nha – Kẻ Bàng không chỉ trở thành điểm đến hàng đầu của du lịch Việt Nam, mà còn là hình mẫu tiêu biểu cho sự kết hợp hài hòa giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế – xã hội bền vững. Với tầm nhìn mới, tỉnh Quảng Bình đang hướng đến mô hình Khu dự trữ sinh quyển thế giới như một chiến lược toàn diện để nâng cao chất lượng phát triển, đề cao vai trò cộng đồng, bảo tồn hệ sinh thái và đa dạng sinh học, đồng thời góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu và toàn cầu hóa.
Các đại biểu tham dự và chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
Hội thảo lần này tập trung thảo luận, góp ý sâu sắc vào các nội dung cốt lõi trong hồ sơ đề cử, bao gồm tên gọi chính thức của khu dự trữ, cơ cấu mô hình quản lý, tính đại diện về mặt sinh thái, xác định ranh giới và diện tích các vùng chức năng theo chuẩn của UNESCO. Ngoài ra, các đại biểu cũng đề cập đến các nội dung liên quan đến cam kết quốc tế, liên kết vùng, và khả năng hợp tác xuyên biên giới với Vườn quốc gia Hin Nam No (CHDCND Lào), tạo tiền đề xây dựng một hành lang sinh học liên quốc gia, góp phần thúc đẩy hòa bình, hữu nghị và hợp tác trong bảo tồn thiên nhiên giữa hai quốc gia.
Đặc biệt, các nhà khoa học và chuyên gia trong nước và quốc tế đã nhấn mạnh vai trò then chốt của cộng đồng địa phương trong mô hình Khu dự trữ sinh quyển – nơi mà con người trở thành một phần không thể tách rời của hệ sinh thái, là chủ thể trong bảo tồn và hưởng lợi từ các giá trị thiên nhiên, văn hóa. Việc xây dựng Khu dự trữ sinh quyển thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng không chỉ mang ý nghĩa danh hiệu, mà còn là minh chứng cho cam kết chính trị mạnh mẽ, cho sự thay đổi tư duy trong quản lý tài nguyên thiên nhiên, đặt con người vào trung tâm của sự phát triển bền vững.
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Phạm Hồng Thái – Giám đốc BQL Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng bày tỏ cảm ơn sâu sắc tới các đại biểu đã tham gia, đóng góp ý kiến tâm huyết và khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ các nội dung thảo luận. Ban quản lý sẽ tiếp tục phối hợp với đơn vị tư vấn, các cơ quan trung ương và tổ chức quốc tế để hoàn thiện hồ sơ, trình UBND tỉnh xem xét, thông qua và gửi tới cơ quan có thẩm quyền thẩm định theo đúng quy định. Với sự đồng hành của các bên liên quan và nỗ lực không ngừng của tỉnh Quảng Bình, kỳ vọng hồ sơ đề cử sẽ sớm được UNESCO xem xét và công nhận, đưa Phong Nha – Kẻ Bàng trở thành một phần trong Mạng lưới các Khu dự trữ sinh quyển thế giới./.