Ngày Môi trường thế giới 05 tháng 6 năm 2024 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá” (Land restoration, desertification and drought resilience) nhằm kêu gọi các quốc gia trên toàn cầu cùng chung tay hướng tới những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và khả năng chống hạn, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực cho hàng tỷ người trên toàn thế giới.
Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 05/6 và Tháng hành động vì môi trường năm 2024, BQL VQG Phong Nha – Kẻ Bàng đã ban hành Công văn 454/VQG ngày 21/5/2024 về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày Môi trường thế giới 05/6 và Tháng hành động vì môi trường năm 2024.
Theo đó, BQL VQG Phong Nha – Kẻ Bàng yêu cầu các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc tiếp tục triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật về tăng cường các hoạt động quản lý chất lượng môi trường đất; Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 21/01/2021 của Chính phủ về việc Ban hành Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường theo Kết luận 56-KL/TW ngày 23 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị; Quyết định số 419/QĐ-TTg ngày 05/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình Quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng carbon và quản lý bền vững tài nguyên rừng đến năm 2030; Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 01/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 02/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định; Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 7/9/2023 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; Công văn số 925/VQG ngày 21/9/2023 của BQL VQG Phong Nha – Kẻ Bàng về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn VQG.
Chủ đề ngày Môi trường thế giới 05 tháng 6 năm 2024 “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá” (Land restoration, desertification and drought resilience)
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế tại đơn vị để tổ chức các hoạt động hưởng ứng như: Mít tinh, tọa đàm, ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom, xử lý chất thải. Phát động Chiến dịch chung tay bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu bằng các hành động thiết thực, hiệu quả. Treo băng rôn, pano, áp phích (khuyến khích sử dụng từ các vật liệu có tính thân thiện môi trường) tại cơ quan, đơn vị, địa điểm công cộng phù hợp để đẩy mạnh tuyên truyền chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2024 đạt tính lan tỏa cao.
Đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước. Bên cạnh đó, chú trọng ứng dụng công nghệ viễn thám và các phần mềm chuyên dụng để xây dựng các mô hình, bản đồ dự báo hạn hán, cháy rừng, bản đồ rủi ro thiên tai theo các kịch bản biến đổi khí hậu nhằm chủ động ứng phó với thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn.
Kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải từ hoạt động xây dựng, nông – lâm nghiệp trên địa bàn VQG (đặc biệt là hoạt động chăn nuôi và canh tác nông nghiệp) và quy định về phân loại rác thải tại nguồn đảm bảo chất thải phát sinh phải được xử lý đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường và quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về chất thải tương ứng trước khi thải ra môi trường, đặc biệt nghiêm cấm việc xả thải không đúng quy định ra môi trường đất; đẩy mạnh việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, các mô hình kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển kinh tế xanh, phát triển bền vững nhằm hạn chế tối đa quá trình sa mạc hóa, ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Triển khai nhân rộng các mô hình hiệu quả trong việc phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá, các mô hình hiệu quả trong việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn. Phát động Chiến dịch chung tay giảm thiểu rác thải nhựa bằng các hành động thiết thực như ra quân làm vệ sinh môi trường, xử lý rác tại các điểm đen và các điểm ô nhiễm rác thải nhựa ở sông, hồ, đẩy mạnh hoạt động tái chế, tái sử dụng túi nilon khó phân huỷ, sản phẩm nhựa dùng một lần; khuyến khích người tiêu dùng sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường./.