Sáng ngày 12/8/2024, tại Bản Khe Cát, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh đã diễn ra Lễ hội Trỉa lúa của người Bru-Vân Kiều. Đối với đồng bào Bru – Vân Kiều Lễ hội Trỉa lúa được coi là lễ hội quan trọng nhất trong năm với sự kết hợp hài hòa giữa nghi lễ truyền thống và hoạt động vui tươi, lễ hội này không chỉ phản ánh sự gắn bó sâu sắc với thiên nhiên mà còn là dịp để duy trì bản sắc văn hóa độc đáo.
Xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) nằm trong khu vực vùng đệm của Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, đây là địa bàn sinh sống chủ yếu của Người Bru-Vân Kiều. Người Bru-Vân Kiều rất coi trọng các lễ cúng mùa vụ, họ tin vào các thần linh huyền bí (Yang), họ coi vạn vật hữu linh, thờ thần lúa. Thần lúa được coi là vị thần quan trọng nhất (Trong truyền thuyết thần lúa tượng trưng hình trái bầu) không chỉ cứu vớt loài người trong trận lũ lụt lớn mà còn mang lại ấm no hạnh phúc cho dân tộc họ. Bởi vậy, người Bru-Vân Kiều luôn bảo lưu các lễ hội liên quan đến thần lúa như lễ trỉa hạt, lễ mừng cơm mới.
Lễ hội Trỉa lúa hay còn gọi là lễ hội lấp lỗ được tổ chức định kỳ hằng năm từ ngày 11-14/7 (âm lịch), được xem là hội lễ quan trọng nhất trong đời sống tín ngưỡng và sinh hoạt cộng đồng Bru – Vân Kiều. “Lấp lỗ” là một công đoạn cuối của quy trình làm nương làm rẫy: chặt, đốt, cốt, trỉa, nhưng đã được dân bản nâng lên thành “Lễ hội” với ý nghĩa là trước khi đem hạt giống cất giữ trong gùi kín đáo hàng năm ra, trỉa xuống đất cầu mong thần trời, thần nước, thần rừng, thần núi giữ gìn bảo hộ cho sự sinh sôi nảy nở chắc hạt nặng bông có ngày thu hoạch.
Công tác chuẩn bị Lễ hiến sinh tại Lễ hội
Nguồn ảnh: Nhóm đề tài VQG
Để chuẩn bị cho lễ hội, già làng phân công cho từng người trong làng những nhiệm vụ khác nhau, cả làng náo nức chuẩn bị cho ngày hội, ai ai cũng cố gắng làm tốt trách nhiệm của mình. Khi mọi việc đã chuẩn bị xong, dân làng tập trung về địa điểm để tổ chức lễ hội. Nghi lễ Trỉa lúa được bắt đầu với nghi thức hiến sinh (có thể bằng bò, dê, lợn, nhưng chủ yếu dân bản hằng năm đều hiến sinh bằng lợn). Khi bắt đầu nghi lễ, hai thanh niên khỏe mạnh khiêng đến một con lợn đặt cạnh khe nước chảy. Già làng bắt đầu làm lễ tế sống (hiến sinh). Khi già làng báo lệnh khai lễ, dân bản đứng khép vòng quanh con lợn, già làng bước vào giữa vòng người, tay trái xách chai rượu, tay phải cầm chiếc ly nâng lên rót đầy rượu và cất lời khấn to cho mọi người cùng nghe. Lời khấn với đại ý: Hôm nay, dân bản ta làm lễ trỉa lúa, dân bản xin được dâng một con lợn cho thần lúa, thần trời, thần mước, thần đất, thần núi… mong các vị thần nhận lễ cho, để dân bản cùng về đây vui hội xuống rẫy… Khấn xong, già làng tưới rượu từ chiếc ly đang cầm trên tay lên đầu lợn, lên thân lợn. Vẫn chiếc ly ấy, già làng lại rót rượu trong chai ra ly và chuyền vòng từ trái sang phải đến từng người dân bản, để ai cũng được uống rượu và hưởng lễ. Người được đón ly uống xong, lại chấp tay hướng về con lợn vái, với ý nghĩa cảm ơn con lợn đã thay họ làm vật hiến sinh cho các vị thần. Khi rượu đã uống hết vòng thì con lợn hiến sinh sẽ được đem đi chế biến thành các món chín và được xếp vào mâm đặt lên hai tầng của khám thờ. Sau lời khấn, một số dân bản vai đeo gùi, tay cầm gậy chọc lỗ đi xung quanh bãi đất để thực hiện nghi thức gieo hạt. Sau khi cúng xong tất cả dân bản và mọi người tham gia lễ hội quây quần quanh mâm cỗ, uống rượu cần và trò chuyện vui vẻ rồi cùng hát, múa những làn điệu dân ca truyền thống, tham gia các trò chơi dân gian của dân tộc Bru – Vân Kiều góp phần tạo nên một không khí lễ hội rộn ràng và phấn khích.
Người Bru-Vân Kiều và du khách cùng tham gia các hoạt động tại lễ hội Trỉa lúa
Nguồn ảnh: Nhóm đề tài VQG
Lễ hội Trỉa lúa không chỉ đơn thuần là các nghi lễ tôn nghiêm mà còn là dịp để mọi người trong làng cùng tham gia các hoạt động sinh hoạt cộng đồng với nhau. Sự tham gia của mọi thành viên trong cộng đồng không chỉ thể hiện lòng yêu mến và sự trân trọng đối với truyền thống văn hóa mà còn giúp duy trì và phát triển các phong tục tập quán. Các gia đình, nhóm bạn bè và những người dân địa phương đều tích cực tham gia vào các hoạt động, từ việc chuẩn bị lễ vật, tổ chức nghi lễ cho đến việc tham gia các trò chơi và chương trình giải trí.
Với những giá trị đặc sắc, ngày 03/02/2021, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 608/QĐ-BVHTTDL công bố đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội Trỉa lúa của người Bru- Vân Kiều”, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình thuộc loại hình lễ hội truyền thống. Đó là dấu mốc quan trọng để đồng bào có ý thức hơn trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch./.
Mai Thùy – Quốc Hùng