Du lịch: 0948346555 - Quản lý bảo vệ rừng: 0919052111 - Cứu hộ động vật: 0915659417

Mạch máu thông tin trên tuyến đường của tuổi 20

Di tích Hang Thông tin – Km4 nằm trên tuyến đường 20 Quyết Thắng, thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình, nơi đây là nơi gắn liền với những thành tích, chiến công, với sự hy sinh, gian khổ của các cán bộ, chiến sĩ Trạm cơ vụ A70, Tiểu đoàn 133 thông tin – Bộ Tư lệnh 559 trong nhiệm vụ đảm bảo mạch máu thông tin thông suốt, kịp thời chính xác.

Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Quảng Bình được xem là “tọa độ lửa”, hậu phương trực tiếp chi viện cho chiến trường lớn miền Nam. Đường Trường Sơn là huyết mạch của cuộc chiến, cung cấp lương thực, vũ khí, quân đội cho tiền tuyến. Để chiến thắng quân thù với công nghệ, vũ khí vô cùng tối tân, hiện đại thì Bộ Tư lệnh Trường Sơn xác định công tác đảm bảo thông tin liên lạc trên toàn tuyến là yếu tố quyết định sống còn của cuộc chiến. Xác định đúng vị trí, tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng, lấy xây dựng mạng đường giao thông và thông tin đi trước một bước là vấn đề sống còn của tuyến chi viện chiến lược – Đường Hồ Chí Minh. Cùng với nhiệm vụ xây dựng hệ thống đường vận tải cơ giới, Bộ đội Trường Sơn đã xây dựng trên 3.000km đường giao liên, gần 1.350km đường thông tin tải ba dọc theo đường Đông – Tây Trường Sơn, 14.000km đường thông tin hữu tuyến dây bọc và thiết bị tiếp sức được triển khai trên toàn tuyến, ngoài ra còn có mạng vô tuyến điện báo đã tạo nên một hạ tầng cơ sở đồng bộ, liên hoàn, vững chắc đảm bảo cho sự chỉ huy thống nhất trực tiếp từ Tổng hành dinh Bộ Quốc phòng tới Bộ Tư lệnh Trường Sơn và các đơn vị trên toàn mặt trận, đảm bảo thông suốt, bí mật, kịp thời, bất chấp bom đạn của kẻ thù đánh phá ác liệt.

Từ năm 1967, Bộ Tư lệnh 559 đã tập trung xây dựng tuyến thông tin tải ba nối với trạm cơ vụ A72 của Bộ tư lệnh thông tin liên lạc (Đặt tại Lệ Thủy – Quảng Bình). Ngày 7-1-1967, do các tuyến dây trần ngày càng phát triển, nhất là vào phía nam Quân khu 4, Cục Thông tin liên lạc quyết định thành lập Đại đội 7, với nhiệm vụ bảo vệ và khai thác 385,35km đường dây từ Giang Sơn – Đô Lương – Nghệ An đến cao điểm 316 Vĩnh Linh và trạm cơ vụ A69, A70, A72 đóng tại Quảng Bình. Đến năm 1971, hệ thống đường thông tin dây trần đã kéo dài trên suốt trục dọc tuyến chi viện chiến lược với tổng chiều dài trên 1.000km, bảo đảm liên lạc vững chắc, thông suốt, bí mật giữa Bộ Tư lệnh với các đơn vị trên toàn tuyến. Bộ đội thông tin liên lạc coi “dây như ruột”, coi “cột như xương”, mạng thông tin chỉ huy là một công trình cơ sở hạ tầng có ý nghĩa quan trọng giống như hệ thần kinh từ bộ não chạy khắp có thể, trong tình huống nào cũng đảm bảo thông suốt liên tục, có chất lượng, góp phần bảo đảm cho chỉ huy và hiệp đồng các lực lượng trên toàn tuyến. Sau khi hiệp định Pa-ri được ký kết, cùng với công trình xây dựng đường đông Trường Sơn, đường thông tin tải ba được kéo đến Nam Tây Nguyên (Đắc Lắc) vào miền Đông Nam Bộ (Bù Đăng). Cùng với mạng thông tin ba tuyến, đường thông tin tải ba xuyên Bắc – Nam đã được thực hiện xuất sắc chức năng vừa phục vụ chỉ đạo, chỉ huy chiến lược (giữa Trung ương và các chiến trường) vừa đảm bảo chỉ huy thông suốt các lực lượng trên toàn tuyến trong điều kiện hoạt động chiến đầu của các binh chủng hợp thành cũng như xử lý kịp thời tình huống đột xuất ở mọi nơi, mọi lúc trên toàn tuyến. Đặc biệt, mệnh lệnh Tổng tiến công chiến dịch Hồ Chí Minh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mùa Xuân năm 1975 đã truyền qua thông tin tải ba Trường Sơn đến các Quân đoàn, đợn vị “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến, quyết thắng” (Ngày 07/4/1975).

Hang Thông tin – Km4, chắc hẳn đây là di tích lịch sử rất ít người được biết đến, bởi đây là một hang đá nằm ẩn mình giữa cánh rừng già Phong Nha – Kẻ Bàng. Là nơi đặt Trạm cơ vụ A70 với nhiệm vụ đảm bảo mạch máu thông tin thông suốt, kịp thời chính xác trên tuyến đường 20 Quyết Thắng. Trạm cơ vụ (thông tin) A70 là một trong 3 trạm cơ vụ đường trục từ Hà Nội vào, nằm ở cửa ngõ chiến trường Trị – Thiên, trạm A70 được bố trí nằm giữa 2 trạm cơ vụ A69 (Một đơn vị thuộc Trung đoàn 134, có nhiệm vụ bảo đảm thông tin Bắc – Nam từ Hà Nội đến đường 9 – Nam Lào, Cụm kho Binh trạm 25 thuộc Đoàn 559 ở Thanh Lạng, Binh trạm 12 ở Cổng Trời, Sư đoàn Phòng không 367, Đồn Biên phòng Cha Lo. Hang Lèn Hà ở huyện Tuyên Hóa được Trạm cơ vụ A69 chọn làm nơi đóng quân) và trạm A72 (là trạm cơ vụ loại lớn, bảo đảm thông tin đường trục từ sở chỉ huy cơ bản ở Hà Nội đến các sở chỉ huy tiền phương của các lực lượng ở chiến trường. Trạm A72 đặt trong một hệ thống hang đá dưới chân núi An Bờ của xã Ngân Thuỷ, huyện Lệ Thủy). Từ đây còn có các trạm nhánh bảo đảm thông tin liên lạc từ Bộ Quốc phòng trực tiếp đến Sở chỉ huy tiền phương của Tổng cục Hậu cần, Binh trạm 14 và Binh trạm 26 của Bộ đội Trường Sơn (Đoàn 559) và Cục Vận tải tiền phương (Đoàn 500) của Bộ Giao thông Vận tải. Hầu hết các cơ quan, đơn vị trên đây đều đóng ở khu vực Cự Nẫm – Khương Hà – Xuân Sơn và khởi điểm Đường 20 Quyết Thắng nối Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây, thuộc huyện Bố Trạch – Quảng Bình. Vừa bảo đảm liên lạc đường trục, vừa phụ trách các tuyến nhánh nên trạm A70 được trang bị đủ các “chủng loại” phương tiện: Máy tải Ba ZM.132, máy VBO.3, máy TCT1.2, tăng âm 12 đường bảo đảm từ tổng đài A40 – Hà Nội, với 30 mạch thoại cao tần và tổng đài 100 số… Biên chế trạm thường xuyên khoảng 30 cán bộ, chiến sĩ; gồm 3 bộ phận: Nguồn, đường dây và tổng đài. Ba trạm cơ vụ A69, A70 và A72 cách nhau hơn 200 cây số đường rừng hiểm trở, nhưng đều thuộc biên chế đại đội 7 nên nhiều cựu chiến binh trung đoàn thông tin 134 thời ấy đều đã từng “nếm mật nằm gai” ở cả ba trạm. Trạm cơ vụ A70 đã hoạt động trong thời gian 8 năm (với 3.080 ngày đêm) dưới mưa bom bão đạn của kẻ địch, nhưng các cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu kiên cường nhằm đảm bảo thông tin liên lạc cho sự chỉ huy, chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Trường Sơn, Binh trạm 14 tại khu vực đường 20 – Quyết Thắng và trên toàn tuyến. Là nơi ghi dấu những thành quả lao động sáng tạo, những thành tích, chiến công vẻ vang, những hy sinh, gian khổ, là nơi biểu hiện sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của bộ đội làm nhiệm vụ đảm bảo thông tin trên tuyến đường của tuổi 20, của tinh thần quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, là nơi thể hiện cao tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều trọng điểm ác liệt trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, chiến tranh ngăn chặn của đế quốc Mỹ đã trở thành di tích lịch sử. Toàn bộ tuyến đường 20 nằm trọn trong khu vực quản lý của Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Mặc dù hình ảnh và tấm gương chiến đấu, hy sinh quả cảm của bộ đội, Thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và nhân dân đã hội tụ về “Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ – Đường 20” được xây dựng ngay sát di tích “Hang Tám cô”, nhưng di tích chính vẫn là hệ thống các trọng điểm trong chiến tranh, nằm rải rác trên toàn bộ tuyến đường. Đó là hệ thống bao gồm bến phà Xuân Sơn – bến Phà Nguyễn Văn Trỗi nơi khởi đầu tuyến đường 20, trọng điểm Trạ Ang, Ki-lô-mét 16, Hang Y tá, ngầm vượt Cà-Roòng, Dốc Ba Thang, Cua chữ A, Ngầm vượt Ta-lê, đèo Phu-la-nhích (mật danh là trọng điểm ATP),… Hiện nay, trong Hang Thông tin vẫn còn lại các dấu tích của hệ thống Trạm Thông tin A70 như: Phòng đặt máy phát điện, sân bãi tập trung, hội trường hội họp trong hang….. Đây là một trong những di tích lịch sử đặc biệt trong hệ thống di tích lịch sử Đường Hồ Chí Minh cần được bảo tồn và phát huy giá trị.

Hang thông tin – Km4 còn có ý nghĩa văn hóa, tâm linh, nếu có dịp đến với Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng ngoài hành trình tham quan thưởng ngoạn thiên nhiên, chiêm ngưỡng phong cảnh núi non hùng vĩ tuyệt đẹp trên mãnh đất Di sản, bạn hãy dành chút thời gian đến Hang Thông tin để thắp nén hương tưởng nhớ về những người con anh hùng của dân tộc và tìm hiểu về lịch sử những năm tháng chiến tranh ác liệt với lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần chiến đấu quả cảm của các chiến sĩ trạm cơ vụ A70 tại Hang Thông tin sẽ mang lại cho chuyến đi của bạn thêm phần ý nghĩa.

Với những giá trị lịch sử tiêu biểu và đặc biệt quan trọng, Hang Thông tin – Km4 đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng “Di tích quốc gia” theo Quyết định số 1732/QĐ-BVHTTDL ngày 07/5/2009 và nằm trong 37 di tích tiêu biểu của Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh (trải dài từ Tân Kỳ – Nghệ An đến Lộc Quang – Bình Phước) được Thủ tướng Chính phủ công nhận là “Di tích quốc gia đặc biệt” theo Quyết định số 2383/QĐ/TT-TTg ngày 09/12/2013./.

Mai Thùy

Translate by Google »