Du lịch: 0948346555 - Quản lý bảo vệ rừng: 0919052111 - Cứu hộ động vật: 0915659417

Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2025: “Sống hài hòa với thiên nhiên và phát triển bền vững”

Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2025 (ngày 22 tháng 5) được Liên hợp quốc phát động với chủ đề “Harmony with nature and sustainable development” “Sống hài hòa với thiên nhiên và phát triển bền vững”, nhấn mạnh sự cần thiết thực hiện song song các mục tiêu của Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh – Montreal (KMGBF) của Công ước Đa dạng sinh học (CBD) và các mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) do mối quan hệ hữu cơ giữa việc “Sống hài hòa với thiên nhiên” với mục tiêu phát triển toàn diện và bền vững cho tất cả các quốc gia và cộng đồng trên thế giới.

Ngày 22 tháng 5 hằng năm được Liên Hợp quốc chọn là Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng toàn cầu về tầm quan trọng của đa dạng sinh học đối với sự sống và sự phát triển bền vững của hành tinh chúng ta.

Đa dạng sinh học bao gồm tất cả các loài sinh vật sống – từ thực vật, động vật đến vi sinh vật – cũng như hệ sinh thái mà chúng tạo thành. Sự phong phú và đa dạng này không chỉ là nền tảng cho sự sống của Trái đất mà còn đóng vai trò thiết yếu trong việc cung cấp thực phẩm, nước uống, dược liệu, điều hòa khí hậu và duy trì sự cân bằng sinh thái.

Tuy nhiên, hiện nay đa dạng sinh học đang bị suy giảm nghiêm trọng do các hoạt động của con người như chặt phá rừng, khai thác tài nguyên quá mức, ô nhiễm môi trường và tác động của biến đổi khí hậu. Nhiều loài sinh vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, làm mất cân bằng hệ sinh thái và ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống con người.

Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học là dịp để cảnh tỉnh nhân loại về thực trạng đáng báo động này, đồng thời kêu gọi hành động bảo vệ thiên nhiên thông qua những việc làm thiết thực như trồng cây, hạn chế rác thải nhựa, bảo vệ động vật hoang dã, phục hồi rừng và duy trì các khu bảo tồn thiên nhiên. Đây cũng là dịp để các quốc gia trên thế giới thể hiện tinh thần đoàn kết, hợp tác quốc tế trong việc thực hiện các cam kết về bảo tồn và phát triển bền vững, đặc biệt là trong khuôn khổ Công ước về Đa dạng sinh học (CBD) của Liên Hợp quốc.

Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, với hệ sinh thái phong phú và đa dạng, là một minh chứng sống động cho tầm quan trọng của bảo tồn thiên nhiên trong bối cảnh Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học 2025. Nơi đây sở hữu một tài nguyên vô giá mà thiên nhiên ban tặng, bao gồm các hệ sinh thái đặc biệt như rừng trên núi đá vôi, rừng trên núi đất, các hệ sinh thái sông suối, hang động và các hệ sinh thái thứ sinh. Đây không chỉ là nơi sinh sống của vô vàn loài động vật, thực vật mà còn là bộ máy hoàn chỉnh giúp duy trì sự cân bằng sinh thái, tạo thành mạng lưới thức ăn bền vững trong môi trường tự nhiên.

Một trong những điểm đặc biệt tại Phong Nha – Kẻ Bàng là kiểu rừng nhiệt đới thường xanh, chủ yếu là các cây lá kim, với ưu thế của loài Bách xanh núi đá. Dưới tán rừng này, các loài lan hài mọc trên các vách đá vôi cao hơn 700m, tạo nên một hệ sinh thái độc nhất vô nhị mà không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Phong Nha – Kẻ Bàng còn là nơi lưu giữ 15 kiểu rừng khác nhau, làm phong phú thêm tính đa dạng của các hệ sinh thái, có ý nghĩa toàn cầu trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Hiện nay, VQG Phong Nha – Kẻ Bàng được công nhận là một trong 238 vùng sinh thái quan trọng nhất trên toàn cầu, với 96,2% diện tích khu vực được bao phủ bởi rừng. Qua các cuộc khảo sát về hệ động, thực vật, đã ghi nhận 2.953 loài thực vật bậc cao thuộc 1.007 chi, 198 họ, 63 bộ, 12 lớp, 6 ngành, trong đó có 111 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam và 121 loài trong Sách đỏ IUCN. Về động vật, Phong Nha – Kẻ Bàng sở hữu 1.394 loài động vật, với 82 loài có mặt trong Sách đỏ Việt Nam và 116 loài trong Sách đỏ IUCN, cùng nhiều loài quý hiếm nằm trong các phụ lục của CITES.

Với tầm quan trọng đặc biệt này, Ban Quản lý VQG Phong Nha – Kẻ Bàng cam kết tiếp tục triển khai các biện pháp bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học, từ tuyên truyền pháp luật đến các hoạt động giáo dục cộng đồng. Các chương trình này được thực hiện thông qua các buổi sinh hoạt thôn, bản, các câu lạc bộ bảo tồn ở cơ sở và các hoạt động ngoại khóa tại trường học. Đặc biệt, việc áp dụng các công nghệ hiện đại như hệ thống SMART và bẫy ảnh trong tuần tra rừng, giám sát động vật hoang dã sẽ giúp nâng cao hiệu quả bảo vệ. Ngoài ra, VQG Phong Nha – Kẻ Bàng cũng triển khai các chương trình phục hồi và nhân giống các loài cây quý hiếm như phong lan, giổi xanh, giổi ăn hạt, phục vụ công tác bảo tồn lâu dài và chuyển giao mô hình cho cộng đồng dân cư vùng đệm.

Sống hài hòa với thiên nhiên không chỉ là lý tưởng, mà là hành động thiết thực mà mỗi chúng ta có thể tham gia để bảo vệ hành tinh, bảo vệ những giá trị vô giá mà thiên nhiên mang lại./.

Huyền Sương
Translate by Google »