Bài 1. Khỉ ăn lá đặc hữu Phong Nha – Kẻ Bàng
Nằm trong vùng núi đá vôi, rừng mưa nhiệt đới, nơi trú ẩn an toàn và giàu có về nguồn thức ăn, Phong Nha – Kẻ Bàng được xem là nơi có số loài và mật độ thú linh trưởng cao nhất – 10 loài trong tổng số 24 loài thuộc bộ linh trưởng có mặt ở Việt Nam. Trong đó, có 4 loài nằm trong chi Macaca, thuộc họ khỉ Cựu thế giới có (Cercopithecidae), gồm: Khỉ đuôi lợn (Macaca nemestrina), Khỉ mốc (Macaca assamensis), Khỉ vàng (Macaca mulatta), Khỉ mặt đỏ (Macaca arctoides); có 3 loài nằm trong chi Pygathrix và Trachypithecus thuộc Phân họ khỉ ngón cái ngắn (Colobinae); có Vượn đen má trắng (Nomascus siki) thuộc họ Khỉ không đuôi và 2 loài nằm trong họ Lorisoidea là Cu li lớn (Nycticebus coucang), Cu li nhỏ (Nycticebus pygmaeus). Một trong những loài đặc hữu của Phong Nha – Kẻ Bàng có tên Voọc Hà tĩnh hay còn gọi là Voọc gáy trắng.
Voọc gáy trắng và Chà vá chân nâu tại khu Linh trưởng bán hoang dã.
Ảnh: Tư liệu VQG Phong Nha – Kẻ Bàng
Có thể nói Phong Nha – Kẻ Bàng là nơi tồn tại một quần thể lớn nhất và duy nhất loài Voọc gáy trắng, một trong 4 bốn loài thuộc nhóm loài T. Francoisi.. Năm 1942 mẫu của loài này được Bourret thu ở địa danh tên là làng Cuc, vùng phân bố cực bắc, thuộc huyện Tuyên Hoá tỉnh Quảng Bình. Năm 1970 được G.S Đào Văn Tiến mô tả và đưa vào loài phụ Khỉ ăn lá với tên khoa học là Trachypithecus hatinhensis.
Voọc gáy trắng trên đỉnh núi đá. Ảnh: Lê Văn Dũng
Voọc gáy trắng trưởng tthành có bộ lông dày, sợi lông dài mềm và màu đen. Bụng đen xám; vùng háng và bện màu xám. Đỉnh đầu có mào lông đen. Có hai vạch trắng nhỏ đi từ góc mép qua má chạy lên phía trên vành tai và ra sau gáy. Đuôi dài hơn thân, thon đều, rậm lông và màu đen. Chiều dài đầu và thân 52 – 62 cm . Chiều dài đuôi 58 – 88 cm. Trọng lượng 6,8 – 8.8 kg. Con non mới đẻ có màu vàng cam.
Voọc gáy trắng sinh sống theo bầy đàn và do một con đực đầu đàn thống lĩnh. Con đầu đàn có trách nhiệm tìm nơi trú ngụ, chỗ kiếm ăn, bảo vệ đàn và lãnh thổ của mình. Một đàn có trên 10 cá thể, thường nhiều con cái. Chúng kiếm ăn ỏ các sườn núi hay gần dưới chân núi, và các thung lũng. Sinh cảnh chủ yếu của loài này là rừng thứ sinh trên núi đá vôi, rất ít bắt gặp trên núi đất. Đàn vooc thường có nhiều nơi trú ngụ khác nhau, ít nhất 03 địa điểm. Mỗi ngày khi chập choạng tối đàn vooc kéo về nơi trú ngụ của mình. Con đầu đàn có trách nhiệm cảnh giới và quan sát xem nơi ngủ của chúng có ăn toàn không để báo hiệu cho cả đàn. Nơi trú ngụ thường rất hiểm trở, ở những vách đá dựng đứng khó có loài động vật ăn thịt nào có thể tới được.
Voọc gáy trắng di chuyển trên núi đá vôi. Ảnh: Lê Văn Dũng
Thức ăn của chúng thường là các lá và quả của những loài thực vật có nhựa. Hệ tiêu hóa của loài này có cấu tạo khá đặc biệt để phù hợp với các loại lá có hàm lượng tanin cao hay có những loại lá có độc tố – như cây lá ngón. Các tài liệu nghiên cứu chưa đề cập sâu về thức ăn, chế độ ăn trong tự nhiên của loài này.
Voọc có tập tính xã hội khá cao, việc chăm sóc con non không chỉ là nghĩa vụ của con mẹ mà trách nhiệm của tất cả các con trưởng thành trong đàn. Con con được che chở, bảo vệ, nuông chiều, cho ăn và được cả đàn huấn luyện để thích ứng với thế giới tự nhiên.
Có thể là một trong phân loài của gia đình T. Francoisi là Voọc đen tuyền (Trachypithecus ebenus). Tuy nhiên, nghiên cứu Groves 2001 cho rằng loài này chỉ duy nhất một đại diện, còn theo Roos, 2004 thì Voọc Hà tĩnh và Voọc đen tuyền về cấu trúc gen không có gì khác biệt. Do vậy, các nghiên cứu về sinh thái, sinh học đối với quần thể này là cần thiết để làm rõ có hay không Voọc đen tuyền là một loài khác biệt.
Voọc gáy trắng có nhiều quần thế sống ở Phong Nha – Kẻ Bàng, sinh cảnh chủ yếu của loài này là rừng trên núi đá vôi. Trong những năm 2003, quần thể loài này khoảng trên 600 cá thể. Đầu năm 2015, một đàn Voọc, khoảng 60 cá thể xuất hiện ở Thạch Hóa, Tuyên Hóa nơi mà trong nhiều năm chưa thấy có sự hiện diện của loài này. Tuy nhiên các nghiên cứu phân bố, tập tính sinh học của loài cần chuyên sâu hơn để có một biện pháp hữu hiệu nhất bảo tồn loài đặc hữu, đặc biệt quý hiếm này. Vườn quốc gia mong muốn hợp tác với các chuyên gia đầu ngành, các tổ chức để tiếp tục nghiên cứu bảo tồn.
Các bài tiếp theo trong chuyên mục này:
– Hoa hậu trong nhà họ khỉ
– Vượn siki – bạn tình chung thủy
– Culi – Sinh vật của bóng đêm
– Họ khỉ Cựu thế giới
Tác giả: PNKB
Thông tin liên hệ:
Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế
BQL Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng
Email: research.pnkb@gmail.com