Du lịch: 0948346555 - Quản lý bảo vệ rừng: 0919052111 - Cứu hộ động vật: 0915659417

Nơi lưu giữ bản sắc văn hóa: Tuồng Bội Khương Hà

Bên cạnh Di sản Thiên nhiên Thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng mà thiên nhiên ban tặng cho chúng ta, vẫn còn đó không ít kho tàng độc đáo, đặc sắc trong đời sống văn hóa tinh thần mà nhiều du khách thập phương chưa có cơ hội biết đến, “Tuồng Bội” là một trong những thể loại văn hóa dân gian được người dân làng Khương Hà, xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình gìn giữ, lưu truyền từ ngàn xưa cho đến bây giờ.

Không ai còn nhớ hát Tuồng Bội ở làng Khương Hà có từ bao giờ nhưng theo các cụ cao niên trong làng thì khi sinh ra đã thấy dân làng đi xem Tuồng Bội mỗi khi có lễ hội, hát Tuồng Bội như là lẽ tự nhiên của người dân ở đây. Họ coi Tuồng là sự thức dậy một phần quá khứ sâu xa của nền văn hóa làng đáng tự hào của cộng đồng nơi họ sống, những năm chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ dù phải trên bom, dưới đạn, trốn tránh máy bay địch, di chuyển nơi này sang nơi khác nhưng người dân Khương Hà vẫn xem những cuốn vở ghi các tích tuồng như “vật bất ly thân” và cố cất cho được những cuốn vở ghi các tích tuồng vào chỗ tin cậy nhất trước khi rời làng. Nổi bật vào thời gian này là các vỡ Tuồng viết về đề tài lịch sử anh hùng dân tộc, về cuộc sống con người phong phú cả nội dung lẫn hình thức, như: Thoại Khanh – Châu Tuấn, Lưu Bình – Dương Lễ, Tam quốc diễn nghĩa, Vì nước vì dân, 15 năm quật khởi, Tô thắm sơn hà …

Tuồng Bội Khương Hà được tổ chức theo hình thức gánh hát từ 13 đến 18 người bao gồm: Thầy tuồng (đạo diễn), đào, kép, hề… các vai diễn Vua, Chúa, tướng, binh lính, thầy đồ, học trò, quần chúng… làn điệu tuồng có khá nhiều như: Nam ai, Nam bình, Nam dựng, Tẩu Mã, Sa mạc, Than, Hà khắc, Nói lối, trống quân…mang đậm bản sắc văn hóa Việt không chỉ nội dung mà cả hình thức. Việc hóa trang nhân vật cũng vậy, chỉ trừ một số vai như Tướng, Sỹ được hóa trang có vẻ dữ dằn còn lại các vai diễn khác giống trong cuộc sống đời thường, những diễn viên chân đất vừa lội từ mặt ruộng lên thẳng sân khấu diễn một cách sâu lắng, đi vào lòng người. Hóa trang của hát bội đã mô phỏng phần nào tính cách của nhân vật, nhìn vào người ta nhận thấy ngay nhân vật: Chính, tà, hiền, dữ, vua quan, học trò, binh lính, thứ dân đều khá rõ. Bởi vậy, người Khương Hà đến nay vẫn chưa lý giải được vì sao “Tuồng Bội” lại ăn sâu thế trong máu thịt của họ, phải chăng tất cả các vở diễn, diễn viên hóa thân vào nhân vật giống như cuộc sống thường nhật của họ và đó cũng chính là điều làm cho Tuồng Bội Khương Hà có sức sống bền bỉ.

Một cảnh trong Vở Ông già cõng vợ đi xem Hội

Trước cách mạng các gánh hát Bội ở Khương Hà thường khai diễn từ rằm tháng Giêng, sang tháng Hai, tháng Ba tiếp tục diễn, công việc luyện tập và biểu diễn đều do gánh hát tự sắp xếp mà người chịu trách nhiệm toàn bộ là thầy tuồng. Việc luyện tập được tổ chức tại nhà thầy tuồng vì đó là nơi đặt bàn thờ tổ của gánh hát, lúc đi hát thì thù lao cho đoàn cũng không được bao nhiêu. Dù vậy, hoạt động của các gánh hát bội vẫn duy trì phát triển, tiếng trống hát Bội đêm đêm vẫn vang lên và thu hút khá đông đảo dân chúng đi xem đến mức đã có câu ca là: “Hát bội làm tội người ta. Bỏ cửa, bỏ nhà, bỏ cả gạo cơm” là như vậy.

Năm 2008, đội Tuồng Khương Hà (gồm 20 người) được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch mời tham gia đợt tập huấn về nghề hát tuồng tại Nhà hát tuồng Trung ương, phục hồi làng hát tuồng có tiếng từ xa xưa này. Tại lớp tập huấn, ngoài các vở tuồng cũ như: Vì nước vì dân, Tô thắm sơn hà, 15 năm quật khởi, Thoại Khanh – Châu Tuấn, Lưu Bình – Dương Lễ, Trưng Trắc – Trưng Nhị, Tam quốc diễn nghĩa… các diễn viên của làng còn được học thêm các bài tuồng mới như: Ông già cõng vợ đi xem hội, Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, Đào Tam Xuân đệ cờ… nhằm đáp ứng thị hiếu của người xem, tránh nhàm chán khi biểu diễn. Cũng từ thời gian đó, Tuồng bội Khương Hà được khôi phục và hồi sinh trở lại, hàng năm cứ vào dịp đầu xuân năm mới, rằm tháng Giêng, các ngày hội lớn của làng đều không thể thiếu các tiết mục của đội tuồng. Hiện nay, Câu lạc bộ Tuồng truyền thống Khương Hà xã Hưng Trạch có 20 thành viên, bằng việc kết hợp giữa tuồng cũ và tuồng mới, câu lạc bộ đã xây dựng được các tiết mục biểu diễn, nổi bật như: Vì nước vì dân; 15 năm quật khởi; Tô thắm Sơn Hà; Ông già cõng vợ đi xem hội…. Những năm trở lại đây, Tuồng Bội Khương Hà vẫn được duy trì và được nhiều nơi biết đến thông qua các cuộc liên hoan văn nghệ quần chúng các cấp và Khương Hà là làng duy nhất ở Quảng Bình hiện vẫn có đội tuồng làng biểu diễn phục vụ người dân địa phương và du khách đến tham quan Di sản Phong Nha – Kẻ Bàng, việc khôi phục và duy trì Câu lạc bộ Tuồng truyền thống Khương Hà xã Hưng Trạch góp phần khơi dậy trong mỗi người dân tình yêu quê hương và ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá đặc trưng truyền thống của địa phương.

Nằm trên miền đất Di sản Thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, là nơi có rất nhiều du khách đến tham quan, nếu có sự bảo tồn, phát huy và khai thác một cách hợp lý, hiệu quả, thì chắc chắn rằng những giá trị đó sẽ thực sự trở thành thương hiệu riêng của Quảng Bình trên khắp mọi miền gần xa. Bên cạnh đó, chúng ta có thể giới thiệu với du khách trong nước và quốc tế về nét văn hóa đặc sắc của làng quê, giúp họ hiểu thêm về đời sống, văn hóa, con người nơi đây. Và biết đâu đó một ngày, “Tuồng Bội Khương Hà” và các loại hình văn hóa dân gian khác tại Quảng Bình sẽ có mặt trên bản đồ du lịch thế giới./.

Mai Thùy – Hồng Liễu

 

Translate by Google »