Du lịch: 0948346555 - Quản lý bảo vệ rừng: 0919052111 - Cứu hộ động vật: 0915659417

Phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng, giải trí Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, giai đoạn 2021 – 2030

Thực hiện các quy định của pháp luật về Lâm nghiệp và nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn cũng như để phát huy các giá trị Di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, Ban quản lý VQG Phong Nha – Kẻ Bàng đã chủ trì xây dựng “Đề án du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng, giải trí Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, giai đoạn 2021 – 2030”. Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 153/QĐ-UBND ngày 23/01/2024 với các nội dung chính sau đây:

– Tên gọi của Đề án: Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, giai đoạn 2021 – 2030.

– Phạm vi: Đề án thực hiện trong phạm vi diện tích 124.832 ha bao gồm toàn bộ Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng và một phần diện tích rừng phòng hộ và rừng sản xuất liền kề được giao cho Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng quản lý, bảo vệ.

– Thời gian: Đề án thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.

– Mục tiêu: Đề án được xây dựng với 4 mục tiêu chính đó là:

 (1) Nhằm khai thác hết tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, danh lam thắng cảnh, hệ thống hang động, tín ngưỡng gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc; (2) Tiếp tục nâng cao hiệu quả kinh tế của rừng; (3) Góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân địa phương; (4) Tiếp tục kêu gọi đầu tư để xây dựng các tuyến, điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí mới, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, thu hút lượng khách đến tham quan ngày càng tăng. Phấn đấu trong giai đoạn từ năm 2024 đến năm 2025, lượng khách du lịch tăng bình quân tối thiểu 12,5%. Đến năm 2025, lượng khách du lịch đạt 1,5 triệu lượt, tổng doanh thu đạt khoảng 500 tỷ đồng. Đến năm 2030, lượng khách du lịch đạt khoảng 3 triệu lượt, tổng doanh thu đạt khoảng 1.500 tỷ đồng.

– Định hướng phát triển các loại hình du lịch đến năm 2030:

– Thứ nhất, xác định phát triển các loại hình du lịch theo quy hoạch phân khu chức năng:

+ Đối với Phân khu Dịch vụ – Hành chính của Vườn quốc gia:

Tập trung phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch hang động; tổ chức các loại hình du lịch nghỉ dưỡng (ưu tiên phân khúc cao cấp); du lịch vui chơi, giải trí, tắm suối, đi bộ khám phá thưởng ngoạn thiên nhiên; du lịch thể thao, mạo hiểm; dịch vụ nghiên cứu khoa học, tìm hiểu đa dạng sinh học, diễn giải môi trường; du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, mua sắm, chữa bệnh; du lịch lễ hội.

Xây dựng các công trình phục vụ cho hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh nhưng phải tuân thủ các quy định của pháp luật.

+ Đối với Phân khu Phục hồi sinh thái của Vườn quốc gia:

Triển khai phát triển các loại hình du lịch tham quan hang động; du lịch mạo hiểm; du lịch nghiên cứu khoa học, tìm hiểu đa dạng sinh học và diễn giải môi trường. Phân khu này chỉ được lập các tuyến đường đi bộ nhưng tối đa không vượt quá quy mô đường cấp IV miền núi; trạm quan sát cảnh quan, lều trú chân, biển chỉ dẫn, đường cáp ngầm, cầu gỗ, tre ở khu rừng ngập nước để phục vụ du khách.

+ Đối với Phân khu Bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia:

Chỉ phát triển các loại hình, sản phẩm: Du lịch sinh thái khám phá thiên nhiên, trải nghiệm; du lịch mạo hiểm; nghiên cứu khoa học, khảo sát đa dạng sinh học, địa chất, địa mạo. Bảo vệ nguyên vẹn hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học và các hang động. Bổ sung thêm các địa điểm, các tuyến có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, khám phá, trải nghiệm, du lịch mạo hiểm và các điểm, tuyến phục vụ nhu cầu tắm suối, cắm trại, sinh hoạt, lưu trú qua đêm; Chỉ được lập các tuyến đi bộ, trạm quan sát cảnh quan, lều trú chân, biển chỉ dẫn bảo vệ rừng kết hợp du lịch sinh thái.

+ Đối với khu vực rừng phòng hộ, rừng sản xuất

Phát triển du lịch sinh thái ở một số khu vực có giá trị tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan đẹp. Việc tổ chức đầu tư, khai thác du lịch phải tuân thủ quy chế quản lý các loại rừng này.

Các loại hình, sản phẩm chủ yếu là: tham quan hang động đại trà; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch vui chơi, giải trí, thể thao, mạo hiểm; du lịch đi bộ khám phá thiên nhiên; dịch vụ nghiên cứu khoa học, tìm hiểu đa dạng sinh học; diễn giải môi trường, xem chim, ngắm thú; du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm tổ chức sự kiện, mua sắm, chữa bệnh; du lịch lễ hội.

Thứ hai, tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ các tuyến, điểm du lịch đã và đang khai thác hiện nay.

Thứ ba, ngoài các tuyến, điểm du lịch đã và đang khai thác, Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng giai đoạn 2021-2030 đã xác định 20 tuyến, điểm du lịch (9 điểm và 11 tuyến) có tiềm năng và lợi thế cần ưu tiên kêu gọi đầu tư để phát triển, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch như sau:

09 điểm du lịch trên quy mô khoảng 342,0ha, gồm: Điểm Trung tâm quản lý và điều hành du lịch; Điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm Vườn thú (khu Cứu hộ động vật hoang dã); Điểm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Km6 (Tiểu khu 245); Điểm du lịch Khu nuôi thả bán hoang dã Núi Đôi; Điểm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp khu vực núi U Bò; Điểm du lịch sinh thái Thác Chày; Điểm du lịch sinh thái suối 40 (Km40); Điểm du lịch nghỉ dưỡng Đồi Bà Tây; Điểm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Hung Trằm Ná (bên trái cửa Động Phong Nha).

Cùng với 09 điểm du lịch nói trên là 11 tuyến du lịch có tiềm năng hấp dẫn dự kiến phát triển, gồm: Khám phá thiên nhiên Rừng Re – Khe máy bay; Khám phá thiên nhiên hang Cà Roòng – Kling – Acu; Khám phá thiên nhiên hang Vòm – giếng Voọc; Khám phá thiên nhiên hang Chỉ huy, hang Cây Sanh, hang Bài; Khám phá thiên nhiên đỉnh U Bò; Khám phá Quần thể Bách xanh đá; Khám phá thiên nhiên hang Hòa Hương (km30); Khám phá thiên nhiên hang Khe Ry; Khám phá, tìm hiểu văn hóa lịch sử hang Công – Nông – Binh; Xem chim, ngắm thú, trải nghiệm thiên nhiên dọc đường HCM nhánh Tây và Đường tỉnh 562; Khám phá thiên nhiên Hung Lau.

Tổng kinh phí để thực hiện đề án này là 1.253.296 triệu đồng từ nguồn vốn kêu gọi đầu tư thông qua việc liên kết, cho thuê môi trường rừng, nguồn vốn ngân sách và vốn hợp pháp khác.

“Đề án du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng, giải trí Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, giai đoạn 2021 – 2030” sẽ là cơ sở để phấn đấu đến năm 2025, Khu du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là Khu du lịch quốc gia. Đến năm 2030, VQG Phong Nha – Kẻ Bàng trở thành trung tâm du lịch mạo hiểm của Châu Á, điểm đến khám phá, trải nghiệm thiên đường hàng đầu Việt Nam với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng cao, phát triển du lịch bền vững gắn với lợi ích cộng đồng, trong đó các sản phẩm đặc trưng là thám hiểm hang động; nghiên cứu, tìm hiểu đa dạng sinh học, văn hóa bản địa và di tích khảo cổ.

Để triển khai thực hiện Đề án du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng, giải trí Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, giai đoạn 2021 – 2030, dự kiến trong tháng 3 năm 2024, Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng sẽ tổ chức Hội nghị công bố Đề ánvà xúc tiến đầu tư phát triển du lịch năm 2024 với chủ đề “ Phong Nha – Kẻ Bàng hội tụ tiềm năng Bảo tồn và phát triển bền vững”. Qua đó nhằm thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng để hợp tác, kinh doanh du lịch, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch tại Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, đồng thời góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương./.

Huyền Sương

Translate by Google »