Du lịch: 0948346555 - Quản lý bảo vệ rừng: 0919052111 - Cứu hộ động vật: 0915659417

Rộn ràng Lễ hội Đập trống của người Ma Coong

Tối ngày 25/02/2024 (tức ngày 16 tháng Giêng) tại bản Cà Roòng 1, xã Thượng Trạch, UBND huyện Bố Trạch đã tổ chức Lễ hội Đập trống của người Ma Coong. Lễ hội đập trống đã trở thành một lễ hội truyền thống trong cộng đồng người Ma Coong – nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc thiểu số vùng Trường Sơn, đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2019 và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt Dự án Bảo tồn và phát huy Lễ hội truyền thống Đập trống của người Ma Coong, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch gắn với xây dựng nông thôn mới tại Quyết định số 2627/QĐ-BVHTTDL ngày 21/10/2022.

Ma Coong là một tộc người cư trú chủ yếu là ở xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) nằm trong khu vực vùng đệm của Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, giáp biên giới Việt – Lào. Đây là nhóm tộc người có số lượng dân cư đông nhất trong nhóm dân tộc Bru-Vân Kiều ở Quảng Bình. Tộc người này đã định cư ở đây khá lâu, theo các nhà nghiên cứu, lịch sử của tộc người Ma Coong cho rằng họ là những người cư dân bản địa có những đặc điểm khác với người Vân Kiều. Ngoài ra, họ còn có mối liên hệ với người Lào, trong đời sống văn hoá cũng có những ảnh hưởng của văn hoá Lào (phong tục tập quán, y phục…). Lễ hội đập trống là nét sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào Ma Coong.

Công tác chuẩn bị trống

Mỗi năm, lễ hội chỉ diễn ra một lần duy nhất vào đêm 16 tháng giêng, để cúng Giàng, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, vạn vật sinh sôi, cuộc sống an lành, ấm no, hạnh phúc. Trung tâm của bản là chỗ có khoảng sân rộng nhất của bản, dưới tán của cây cổ thụ được chọn làm nơi hành lễ, người làng dựng một dãy nhà tranh nhỏ. Trong căn nhà chính làm nơi hành lễ, treo trang trọng chiếc trống do trai làng làm từ chiều. Khi ánh trăng nhú lên trên rặng núi sau lưng bản, lễ vật được mang ra sắp đặt và chờ giờ khai hội. Lễ hội đập trống chia thành hai phần chính, gồm: Phần lễ và phần hội. Phần lễ do người chủ lễ là già làng người có uy tín điều hành với các nghi thức cầu cúng truyền thống. Phần hội đập trống tưng bừng, náo nhiệt và cũng là phần mọi người mong chờ nhất.

Dãy nhà tranh nơi hành lễ

Lễ hội đập trống năm nay được UBND huyện Bố Trạch tổ chức, các đại biểu, nhân dân và du khách đã được thưởng thức chương trình văn nghệ chào mừng với nhiều tiết mục đặc sắc do đồng bào người dân tộc Ma Coong trong bản của xã Thượng Trạch biểu diễn. Sau chương trình văn nghệ chào mừng, đại diện lãnh đạo UBND huyện Bố Trạch đã phát biểu khai mạc lễ hội, tặng quà cho các già làng và chủ đất. Tiếp đó, Già làng Đinh Xon lên phát biểu và được dân bản tín nhiệm làm chủ lễ cúng Giàng mong cho năm mới được mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, mọi người khỏe mạnh. Để chuẩn bị cho lễ hội, trước đó, người Ma Coong đã làm trống, dựng trại, Trống dùng trong lễ hội được làm từ buổi sáng, tang trống được làm bằng thân cây gỗ, da bịt mặt trống được lấy từ da con trâu to khỏe nhất làng, bịt trống bằng những cây mây già, chêm mặt trống cho căng là những thân tre già. Tại lễ hội đập trống, mâm cỗ cúng Giàng được chuẩn bị gồm: một con gà, cá suối, bắp chuối rừng, ngọn cây mây, khúc thân cây đoác, một ít lúa gạo, rượu cần,…… trách nhiệm làm mâm cỗ phải là người nhà của các già bản.

Chương trình văn nghệ chào mừng Lễ hội đập trống năm 2024

Già làng Đinh Xon làm chủ lễ cúng Giàng

Sau lễ cúng Giàng, già làng phát lệnh khai hội đập trống, bà con dân bản và cán bộ địa phương, các đại biểu đã cùng nhau uống rượu mừng mùa trăng mới, tham gia đập trống trong không khí vui tươi và cùng hòa mình với men say của núi rừng, của đất trời, của con người nơi đây trong ánh trăng xuân giữa núi rừng Trường Sơn hùng vĩ. Những thanh niên trai gái trong bản với những dùi cây mây được chuẩn bị từ trước thi nhau trổ tài đánh trống với tiếng hô vang rừng “Roa lữ, roa lữ, Giàng ơi!”. Không chỉ người Ma Coong mà người dân ở khắp nơi cũng đến đây cùng chung vui trong ngày hội. Trống được đánh cho tới khi vỡ cũng là lúc những đôi trai gái hẹn hò, trao cho nhau lời hẹn ước. Kết thúc lễ hội, đồng bào Ma Coong quay về với cuộc sống thường nhật của mình mang theo ước vọng, tinh thần hăng say lao động sản xuất để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, cuộc sống no đủ, hạnh phúc hơn.

Bà con và du khách cùng đánh trống chung vui trong ngày hội

Với người Ma Coong “Lễ hội đập trống là một di sản”, là lễ hội quan trọng trong đời sống tâm linh – bản sắc văn hóa độc đáo của người Ma Coong vẫn còn lưu giữ từ xa xưa cho đến ngày nay. Lễ hội là một tài nguyên nhân văn có giá trị để mở rộng và phát triển tài nguyên du lịch góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch tại Phong Nha – Kẻ Bàng, thay đổi sinh kế, xóa đói giảm nghèo cho cộng đồng dân cư nơi đây là việc chính đáng cần được quan tâm./.

Mai Thùy

Translate by Google »