Du lịch: 0948346555 - Quản lý bảo vệ rừng: 0919052111 - Cứu hộ động vật: 0915659417

Sân bay Khe Gát và những dấu ấn lịch sử

Trên cung đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua địa phận xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình để lên đèo Đá Đẽo về huyện Minh Hóa, những người khách phương xa sẽ thấy thú vị khi đi qua một đoạn đường dài gần 2 km, khá rộng so với các đoạn đường trước đó. Ít ai biết được rằng, cung đường rộng thênh thang ấy lại chính là một sân bay dã chiến được bí mật xây dựng trong những điều kiện vô cùng khắc nghiệt của chiến tranh. Sân bay dã chiến ấy là cả một huyền thoại đầy tự hào, một chứng tích cho tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngày 19/4/1972, hai chiếc máy bay chiến đấu MiG-17 của Không quân nhân dân Việt Nam đã xuất phát tại đây để tấn công và gây thiệt hại nặng nề cho tàu chiến Mỹ trong một trận đánh chớp nhoáng chỉ vỏn vẹn 17 phút.

Sân bay bí mật ấy nằm ở thôn Khe Gát, xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, một trong những di tích lịch sử của hệ thống di tích lịch sử Đường Hồ Chí Minh nằm trong lòng Di sản Thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, được biết đến với tên gọi: Sân bay Khe Gát.

Bia tưởng niệm sân bay dã chiến Khe Gát (Nguồn: Tác giả)

Sự ra đời của một sân bay dã chiến

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, Quảng Bình là tuyến đầu của Miền Bắc XHCN để chi viện sức người, sức của cho chiến trường Miền Nam đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhận thức được điều này, Hải quân Mỹ liên tục cho tàu khu trục vào gần bờ bắn phá các mục tiêu quân sự, kinh tế, giao thông ven biển Quảng Bình nhằm khống chế và uy hiếp các hoạt động trên biển và ven biển của ta, trong đó, các trọng điểm bắn phá chủ yếu gồm cửa Gianh, cửa Lý Hòa, Đèo Ngang, cửa Nhật Lệ.

Để đối phó với tình hình nói trên, cuối năm 1968, Bộ Quốc phòng chủ trương xây dựng sân bay dã chiến với mật danh “B7” tại thôn Khe Gát, xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình để yểm trợ cho tuyến đường Trường Sơn đồng thời chia lửa cho sân bay Đồng Hới [1]. Nhiệm vụ xây dựng sân bay được giao cho Tiểu đoàn 28 Công binh (nay là Lữ đoàn 28 Công binh thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân) cùng với sự giúp đỡ của quân dân địa phương và thanh niên xung phong xã Xuân Trạch. Để đảm bảo bí mật cho công trình, cứ xẩm tối quân dân ta mới thi công, đến gần sáng lại ngụy trang bằng lá cây, làm đến đâu, thu dọn hiện trường và ngụy trang đến đó. Tất cả các phương tiện xe lu, xe ủi đều được tháo rời từng bộ phận và vận chuyển từ Hà Nội vào. Sân bay được xây dựng trong điều kiện trinh thám rất ác liệt của các loại máy bay trinh sát như OV10, SR71 ngày đêm quần thảo trên bầu trời Trường Sơn.

Toàn cảnh sân bay Khe Gát từ trên cao (Nguồn: Googlemap, cập nhật ngày 28/7/2021)

Với biết bao khó khăn, gian khổ và nguy hiểm, sân bay dã chiến Khe Gát đã được hoàn với đường băng dài hơn 1,8 km, rộng 50m và có đường dẫn máy bay vào hang trú ẩn. Ngày 18/4/1972, Đoàn Không quân Yên Thế được lệnh bí mật đưa máy bay vào Khe Gát. Hai chiếc MiG-17 do phi công Lê Xuân Dị và Nguyễn Văn Bảy (Bảy B) lái, đưa từ sân bay Kép về Gia Lâm, rồi từ đó vào Vinh và bí mật hạ cánh xuống sân bay Khe Gát trong đêm [1].

Phi công Lê Xuân Dị và Nguyễn Văn Bảy B tập sa bàn đánh tàu chiến Mỹ (nguồn: Tư liệu)

Trận đánh huyền thoại

Chiều ngày 19/4/1972, Trạm rađa 403 ở Nhật Lệ (Đồng Hới, Quảng Bình) phát tín hiệu cảnh báo về một nhóm tàu chiến của Mỹ xuất hiện ngoài khơi bờ biển Nhật Lệ đến Bố Trạch. Nhóm tàu chiến này gồm các tàu: tuần dương hạm USS Oklahoma City, hai khu trục hạm là USS Higbee và USS Lloyd Thomat, cùng với tàu hộ tống tên lửa USS Sterett.

Đúng 16 giờ 05 phút, hai chiếc máy bay MiG-17 do các phi công Lê Xuân Dị và Nguyễn Văn Bảy B từ sân bay Khe Gát xé gió xuất kích. Khi bay qua cửa Lý Hòa, phát hiện được mục tiêu, lúc 16 giờ 13 phút, được lệnh của chỉ huy từ mặt đất, Lê Xuân Dị nhanh chóng cắt bom vào chiếc tàu Khu trục hộ tống USS Higbee theo phương pháp ném bom “thia lia”. Tàu Khu trục hộ tống USS Higbee phát nổ, tạo lên một cột khói lớn, chiếc tàu bị thương nặng, dàn pháo trên boong tàu bị phá hủy [2]. Chiếc MiG -17 thứ 2 do Nguyễn Văn Bảy B tiếp tục bay vòng ra biển, khi đến gần cửa Dinh thì phát hiện đội hình địch. Nguyễn Văn Bảy B cho máy bay lướt qua phía trên tàu địch rồi vòng lại và cắt bom vào chiếc tàu Tuần dương hạm USS Oklahoma City, khiến chiếc tàu bị hỏng hệ thống ra đa cảnh giới và một ụ pháo trên boong [2]. Hai phi công sau khi thực hiện nhiệm vụ đã quay trở về sân bay Khe Gát an toàn.

Sơ đồ trận đánh tàu chiến Mỹ của biên đội MiG-17 ngày 19/4/1972 (Nguồn: Bảo tàng Phòng không – Không quân)

Chỉ khoảng 30 phút sau, các máy bay Mỹ từ tàu sân bay ngoài khơi bay vào đánh phá sân bay Đồng Hới. Ba ngày sau đó, Không quân Mỹ phát hiện ra sân bay Khe Gát và triển khai đánh phá dữ dội sân bay cùng tuyến đường 15A và các cụm dân cư ở xã Xuân Trạch [1].

Tàu khu trục hộ tống USS Higbee bị hư hỏng nặng sau khi bị MiG-17 tấn công (nguồn: Internet)

Vỹ thanh

Sân bay dã chiến Khe Gát có ý nghĩa lịch sử đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta và trong lịch sử chiến đấu và trưởng thành của Không quân nhân dân Việt Nam, là hiện thân cho ý chí kiên cường vượt qua gian khó của quân và dân ta. Trận “không đối hạm” ngày 19/4/1972 là trận đánh đầu tiên mà MiG-17 của chúng ta tấn công chiến hạm Mỹ, khiến cho Hải quân Mỹ không dám đánh phá bờ biển Quảng Bỉnh trong nhiều tháng, dồng thời đã “chứng minh các phi công Việt Nam có thể làm chủ kỹ thuật, phát huy cao nhất tính năng của máy bay MiG, dũng cảm sáng tạo trong cách đánh, không chỉ dùng máy bay MiG lập công trong không chiến mà còn có thể tấn công các mục tiêu mặt đất, mặt nước theo nhiệm vụ được giao”. [4]

Theo thời gian, sân bay dã chiến Khe Gát đã không còn nguyên trạng, nhưng với trận “không đối hạm” huyền thoại và độc đáo ấy, sân bay Khe Gát đã trở thành là một trong những di tích lịch sử đặc biệt quan trọng của hệ thống di tích lịch sử Đường Hồ Chí Minh trong lòng Di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình, là địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước và ý chí quật cường của quân và dân ta trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.

Chân thành cám ơn đồng chí Trần Đình Trọng – Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Xuân Trạch đã chia sẻ thông tin và những tài liệu hữu ích để ttác giả hoàn thành bài viết này.

Tài liệu tham khảo:

1. Lịch sử Đảng bộ xã Xuân Trạch, tập I (giai đoạn 1930-2010) xuất bản năm 2015.

2. Bài viết “Kỷ niệm 45 năm KQND Việt Nam ném bom tàu chiến Mỹ (19/4/1972 – 19/4/2017)”- Báo điện tử Quân khu 7 Online

3. Phóng sự “Trận đầu MiG-17 tấn công Hạm đội 7 của Mỹ” – Tác giả: Nguyễn Thành Trung

4. Sách “Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975) Nhìn từ hai phía– Nguyễn Sỹ Hưng – Nguyễn Nam Liên và nhóm tác giả. NXB Quân đội Nhân dân và Nhà sách Tân Việt liên kết xuất bản năm 2013

Anh Tuấn

Translate by Google »