Nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng, phối hợp với chính quyền địa phương để làm tốt công tác phát triển cộng đồng nhằm tạo việc làm cho người dân nhằm giảm áp lực đe dọa đến các giá trị của tài nguyên thiên nhiên.
Vùng đệm Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng có 13 xã, trong 03 huyện của tỉnh Quảng Bình. Nơi có hơn 65.000 dân cư sinh sống, trong đó có hơn 11.000 người dân đồng bào thiểu số, phương thức sống phụ thuộc lớn vào nguồn tài nguyên từ rừng tự nhiên. Để tạo sinh kế, giảm áp lực lên tài nguyên Vườn quốc gia, từ năm 2011, BQLVườn phối hợp với Hợp phần hỗ trợ kỹ thuật GIZ hỗ trợ ở 13 xã vùng đệm với các loại mô hình sinh kế như: Mô hình nông lâm kết hợp cho 30 hộ dân được hỗ trợ con giống gia súc, trồng cỏ cho gia súc và trồng tre lấy măng; nuôi gà lấy thịt và nhân giống gà cho 60 hộ dân; trồng nấm ăn và nấm dược liệu cho18 hộ; nuôi ong lấy mật cho 42 hộ gia đình; Đan lát hàng mây tre đan cho 120 hộ gia đình thuộc các xã miền núi; mô hình rừng cộng đồng được thành lập tại 21 thôn bản có diện tích giáp với Vườn quốc gia; hỗ trợ thủ tục giao đất rừng sản xuất và khoanh nuôi bảo vệ ở 13 xã vùng đệm. Dự án Rừng đặc dụng Phong Nha – Kẻ Bàng đã hỗ trợ trên 250 hộ gia đình xây dựng mô hình sinh kế như: trồng tre lấy măng, Cá Trắm cỏ nuôi lồng, nuôi gà – lợn thương phẩm, chăn nuôi Bò sinh sản, rau an toàn, hầm khí Biogas, trồng cây Hồ tiêu, trồng cây Huê mộc vàng,… Hàng năm đã ký kết hợp đồng bảo vệ rừng với hơn 230 người dân thôn bản; hợp đồng hơn 60 bảo vệ rừng chuyên thường xuyên để phối hợp với Kiểm lâm Vườn quốc gia tham gia tuần tra bảo vệ rừng.
Các hoạt động phát triển du lịch đã tạo việc làm cho hơn 2.000 người dân tham gia trực tiếp các hoạt động du lịch như nhiếp ảnh, phục vụ đưa đón khách tham quan bằng thuyền trên Sông Son, dịch vụ vận chuyển đường bộ, đặc biệt tạo việc làm cho hơn 500 thanh niên và người đang trong độ tuổi lao động tham gia khuân vác phục vụ khách tham quan tại các tuyến, điểm du lịch Động Sơn Đòong, Hang én và Hang va, Thung lũng sinh tồn,…; và hàng trăm hộ gia đình tham gia gián tiếp vào hoạt động du lịch như bán hàng lưu niệm, nhà hàng ăn uống, khách sạn, nhà nghỉ.
Các hoạt động sinh kế trên đã góp phần tạo việc làm cho người dân tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo, đặc biệt giảm nạn khai thác các sản phẩm từ rừng. Hiện nay, BQL Vườn tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương Vùng đệm phát triển một số hoạt động sinh kế phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cộng đồng góp phần giảm áp lực lên tài nguyên Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.
Lân Nguyễn