- Mở đầu
Trong dòng chảy của lịch sử Việt Nam, Quảng Bình từ rất lâu đã được biết đến là vùng biên cương xa xôi, nơi tranh chấp, phân chia của các thế lực phong kiến như Đại Việt – Chăm Pa, Đàng Trong – Đàng Ngoài, Tây Sơn – Nguyễn Ánh. Đây cũng là nơi giao thoa, tụ hội của nhiều luồng văn hóa, văn minh, là mảnh đất địa linh nhân kiệt, sản sinh ra nhiều bậc danh nhân, anh hùng hào kiệt, làm rạng danh cho quê hương, đất nước.
Thế kỷ XX đầy bão táp, quê hương Quảng Bình cũng như đất nước Việt Nam phải rên xiết trước ách cai trị bạo tàn của thực dân Pháp và bom đạn ác liệt của đế quốc Mỹ. Đã có rất nhiều người con của quê hương Quảng Bình lên đường đánh giặc, hiến dâng tuổi thanh xuân của mình và ngã xuống cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ mảnh đất hiền hòa tựa lưng vào dãy núi Giăng Màn hùng vĩ với huyền thoại 100 con chim Phượng hoàng bay về chọn đất đế đô, trước mặt là dòng sông Gianh uốn cong như cánh võng, làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa đã sản sinh ra một vị tướng tài ba, một nhà chính trị xuất sắc của Việt Nam, đó chính là Thiếu tướng Hoàng Sâm.
Ảnh 1. Thiếu tướng Hoàng Sâm (Tư liệu)
Từ cổ chí kim, số phận luôn vận vào những người theo đuổi việc binh lửa một cái “nghiệp” xa nhà, thiếu vắng những người thân yêu của mình. Nhà của họ là chiến trường, nơi hòn tên mũi đạn luôn chực chờ, nơi sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Bởi thế mà người xưa cũng đã ngậm ngùi rằng:
“Chớ cười chiến địa, người say ngủ
Chinh chiến xưa nay, mấy kẻ về !”
Thiếu tướng Hoàng Sâm, vị tướng được mệnh danh là Tra-pa-et của Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật nghiệt ngã ấy. Nhưng trong giới hạn của bài viết này, tác giả sẽ không đi sâu vào cuộc đời binh lửa oai hùng của Thiếu tướng, mà tiếp cận ông trên một khía cạnh khác. Đó là cuộc sống gia đình, với tâm thế của một người chồng, người cha phải thường xuyên vắng nhà để đảm đương nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước tin tưởng giao phó, qua đó, thấy được sự hy sinh cao cả của Thiếu tướng Hoàng Sâm cũng như gia đình ông cho lý tưởng cách mạng, cho sự nghiệp đấu tranh, giải phóng đất nước.
- Sơ lược về sự nghiệp của Thiếu tướng Hoàng Sâm
Thiếu tướng Hoàng Sâm (1915 – 1968), tên khai sinh là Trần Văn Kỳ, quê ở làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Ông tham gia cách mạng và là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1933.
Ông nhập ngũ năm 1944, được phong Thiếu tướng năm 1948. Từ năm 1934 đến năm 1935, ông bị mật thám Thái Lan bắt giam, rồi bị trục xuất sang Trung Quốc. Từ năm 1937 đến năm 1939, ông là Tỉnh ủy viên tỉnh Cao Bằng, Thường trực Tỉnh ủy phụ trách cơ quan in và công tác giao thông liên lạc ở biên giới.
Giai đoạn 1940 – 1943, ông là Đội trưởng Đội vũ trang tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh, bảo vệ Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 năm 1941; Tình ủy viên tỉnh Bắc Kạn, phụ trách tự vệ chiến đấu trừ gian, củng cố cơ sở cách mạng, tổ chức du kích khu vực biên giới hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn.
Tháng 12 năm 1944, ông là Đội trưởng Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, chỉ huy đánh trận Phai Khắt (25-12-1944) và trận Nà Ngân (26-12-1944). Ông tham gia Ủy ban Giải phóng, phụ trách quân sự khu giải phóng gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên.
Ảnh 2. Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân (Tư liệu)
Giai đoạn 1946-1950, ông là Khu trưởng Khu 2, chỉ huy mặt trận Tây Tiến, Tư lệnh Liên khu 3. Năm 1951, ông là phái viên Bộ Quốc phòng, tham gia chiến dịch với Đại đoàn 312 và Đại đoàn 304. Tháng 7 năm 1952, Thiếu tướng Hoàng Sâm làm Tư lệnh Liên khu 3. Những năm 1953, 1954, ông là Đại đoàn trưởng Đại đoàn 304, Chỉ huy trưởng mặt trận Trung Lào.
Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, ông chỉ huy tiếp quân Sơn Tây, Hà Dông; là Đại đoàn trường Đại đoàn 320, chỉ huy tiếp quản Hải Phòng.
Giai đoạn 1955-1968, Thiếu tướng Hoàng Sâm là Tư lệnh các quân khu: Tả Ngạn, Hữu Ngạn, Quân khu 3, Trị – Thiên.
Ông là Đại biểu Quốc hội khóa II, III. [4; tr 482]
Ghi nhận những cống hiến đến hơi thở cuối cùng của Thiếu tướng Hoàng Sâm cho cách mạng, Đảng và Nhà nước đã phong, truy tặng nhiều huân chương cao quý cho ông, trong đó có Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.
- Thiếu tướng Hoàng Sâm – người chồng, người cha thường xuyên vắng nhà
3.1. Người chiến sỹ mải mê vì lý tưởng mà quên hạnh phúc cá nhân
Hoàng Sâm trở thành một trong mười vị tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam khi còn rất trẻ, nhưng ông lại kết hôn khá muộn do mải mê hoạt động cách mạng, mà quên chuyện riêng tư.
Vợ ông là bà Phan Thị Mỹ Lệ, thời Pháp thuộc là nữ sinh Trường Đồng Khánh, Hà Nội (nay là Trường Trưng Vương), sau đó là giáo viên cấp II dạy các môn xã hội như Văn, Sử, Địa (trong kháng chiến chống Pháp có vài năm phục vụ tại kho quân lương ở chiến khu Việt Bắc). Mối lương duyên của hai người do chính Bác Hồ tác thành. Ông bà có với nhau 3 người con, gồm 2 trai và 1 gái.
Lập gia đình muộn, lại phải xông pha trên mọi mặt trận ác liệt nên việc chăm sóc, nuôi dạy con cái, ông đều nhờ vào người bạn đời của mình là bà Mỹ Lệ. Do phải thường xuyên vắng nhà, thời gian Thiếu tướng Hoàng Sâm ở bên cạnh vợ con không được nhiều nhưng ký ức về ông vẫn luôn vẹn nguyên trong tâm trí người thân qua năm tháng.
3.2. Vị tướng bình dị bên mái ấm gia đình
Trong những giây phút hiếm hoi ở nhà, cuộc sống của Thiếu tướng Hoàng Sâm khá là bình dị. Ông thường thích trồng rau củ, cây ăn quả cùng chăn nuôi gà, chim câu, thả cá và nuôi một vài con chó. Thỉnh thoảng đi công tác xa trên quãng đường dài, trở về đi qua chợ quê, ông thường nghỉ chân xem chợ, tiện mua ít gà con, cây giống và hạt rau đem về và hướng dẫn con trai cách nuôi gà, trồng rau.
Thiếu tướng Hoàng Sâm thích nuôi gà để lấy trứng cho cả nhà ăn, cho gà ấp vài ổ để có thêm gà con, còn lại là nuôi gà giò để khi cần là thịt. Nhà ông khi cuối năm sắp Tết thường phải chuẩn bị 2 con gà trống thiến được nuôi hàng bữa bằng cơm nóng. Tết đến, thịt gà được luộc xong đem treo lên khoảng 2 tiếng mới hạ xuống, chặt ra, xếp vào đĩa để khách đến chơi cùng gia đình thưởng thức. Ông bảo làm thế thịt gà ăn sẽ ngon hơn. Những cách làm này đều do ông học được của đồng bào dân tộc vùng cao trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Lúc ở bên cạnh con, Thiếu tướng Hoàng Sâm thường hay kể về những kỷ niệm ở chiến trường, về nghĩa tình của đồng đội và bà con nhân dân dành cho ông. Trong đó, có kỷ niệm về những vết sẹo nhỏ chi chít ở chân và cả tay của ông, do bị vắt cắn khi phải ngủ nhiều đêm trong rừng. Rồi mùa đông ngủ trong hang núi, giật mình tỉnh dậy thì đã thấy một con rắn to chui vào chăn ngủ. Thượng tá Hoàng Sùng, con trai của Thiếu tướng Hoàng Sâm kể lại rằng: “Có lần tôi nhìn thấy vết sẹo to bằng ngón tay ở trên khoeo chân, hỏi ra thì bố tôi kể khi đi công tác bị địch phục kích bắn rất nhiều, bố tôi bị trúng một viên đạn, thoát được quân địch nhưng vì máu ra nhiều nên bố bị ngất đi. Sáng sớm đồng bào lên rẫy thấy và cõng về bản đắp lá, bóp được đầu đạn ra, chữa lành mới cho đi tiếp”. [5]
Ảnh 3. Thiếu tướng Hoàng Sâm và gia đình (Tư liệu)
3.3. Người cha rạch ròi chuyện công tư, thương con nhưng cũng nghiêm khắc trong việc giáo dục
Thiếu tướng Hoàng Sâm nổi tiếng là người cha rất chiều con, Thượng tá Hoàng Sùng kể: “Ông chiều con đến nỗi, chị em chúng tôi muốn ăn một cái kẹo, muốn mua một cái áo mới, thì đều xin bố chứ không xin mẹ. Nhưng bố tôi cũng rất nghiêm. Chị tôi đi sơ tán, học ở tận Hưng Yên, những lần bố tôi có chuyến đi công tác xuống đó, mẹ tôi xin cho chị đi nhờ, ông không bao giờ đồng ý. Ông bảo xe của công, không thể dùng vào việc riêng…”
Qua lời kể của Thượng tá Hoàng Sùng, ta có thể thấy được một chi tiết thú vị. Một người cha chiều con nhưng lại nghiêm khắc với con. Chi tiết này không có gì là mâu thuẫn, trái lại, khá là thống nhất với nhau trong tính cách và hoàn cảnh của Thiếu tướng Hoàng Sâm. Một vị tướng thường xuyên vắng nhà, nơi công tác thường xuyên thay đổi, sẽ luôn luôn đau đáu nỗi nhớ gia đình với những người thân yêu. Chắc hẳn ở những nơi công tác, ít nhiều ông cũng thấy được cảnh quây quần, đoàn viên của những gia đình khác, khi ấy, nỗi nhớ thương vợ con càng trở nên da diết. Chính vì vậy, mỗi lần được về nhà, với giây phút hiếm hoi ở bên cạnh các con, ông muốn bù đắp thật nhiều trong khả năng của mình. Nhưng ông cũng là một người lính, kinh qua nhiều gian khổ, nên việc nghiêm khắc trong cách giáo dục con cái, không muốn các con có tâm lý ỷ lại, “cậy bố làm tướng to” mà không chịu cố gắng, nỗ lực là điều dễ hiểu và đáng trân trọng.
Nhà ông thỉnh thoảng có khách tới chơi, đều là cán bộ công tác với ông. Thiếu tướng Hoàng Sâm thường nhắc con chào bằng bác, dù có những người ít tuổi hơn cả mình. Ông giải thích rằng đó là “chào nể”, nhằm dạy các con về sự khiêm nhường, tôn trọng mọi người, dù sau này mình có là ai, giữ chức vụ gì đi chăng nữa. Dù con trai còn bé nhưng Thiếu tướng Hoàng Sâm vẫn hướng dẫn và dạy con làm nhiều việc như chăn nuôi, dọn vườn, trồng trọt, lau đánh giày, hay lau chùi các loại súng đạn. Có lẽ, xuất phát từ phẩm chất của một người lính cụ Hồ, ông muốn các con mình phải sớm hình thành ý thức tự lập, biết làm việc từ nhỏ, không được ỷ lại vào cha mẹ để sớm trưởng thành sau này.
Như lời của Thượng tá Hoàng Sùng chia sẻ: “Những năm tháng được chung sống cùng bố tôi không nhiều nhưng chúng tôi là những người con đã học được ở ông đức tính giản dị khiêm nhường, chịu thương chịu khó, không ngại gian khổ và rất có tình nghĩa. Các con, cháu, chắt của ông luôn tự hào vì đã có người cha – ông – cụ như thế.” [5]
- Thiếu tướng Hoàng Sâm cùng gia đình – sự hy sinh cao cả vì sự nghiệp chung của đất nước
4.1. Đặt nhiệm vụ lên trên hết và sự ra đi đột ngột
Năm 1968, Thiếu tướng Hoàng Sâm được lệnh vào Nam chiến đấu. Những ngày trước khi lên đường, bà Mỹ Lệ – vợ ông lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Khi đó bà hỏi chồng: “Chiến trường đang ác liệt như thế, anh đi rồi nếu chẳng may không về, ai nuôi 3 đứa con nhỏ?”. Ông trả lời ngắn gọn, đầy tin tưởng: “Anh chết, thì các con đã có em, đã có Đảng, đã có Nhà nước lo. Chúng nhất định nên người”. Ông ra đi gác lại chuyện gia đình, vợ con, gác lại hạnh phúc riêng tư vì Tổ quốc, vì Nhân dân, vì lý tưởng cách mạng mà mình đã lựa chọn.
Năm ấy, người con trai Hoàng Sùng mới 16 tuổi, đã được bố cho tiễn đến Thanh Hóa. Ngày tiễn bố, cậu trai Hoàng Sùng đã có ý định đi theo cha để được bên cạnh ông. Nhưng Thiếu tướng Hoàng Sâm kiên quyết không đồng ý, dặn phải ở lại ráng học hành và chăm sóc cho mẹ và em. Hai cha con chia tay trong một rừng thông mà chẳng ngờ rằng, đó là cuộc chia ly mãi mãi.
Khi vào Nam, Thiếu tướng Hoàng Sâm hoạt động ở chiến trường Trị Thiên – một trong những mặt trận khốc liệt nhất trong kháng chiến chống Mỹ. Từ chiến trường ác liệt, ông vẫn gửi thư về cho vợ, kể nhiều chuyện trong chiến trường và tình hình mọi mặt. Lá thư cuối dài hơn, gần hết hai trang giấy, có đoạn “Bái biệt Lệ” để tỏ lòng cám ơn người bạn đời của ông như mang một điềm báo. Tháng 12 năm 1968, căn hầm nơi ông đang bàn việc bị trúng bom, không một ai sống sót. Khi cả gia đình đang ở nơi sơ tán thì vợ ông bỗng nhận được tin báo ông đang ra Hà Nội và yêu cầu cả gia đình về.
Thượng tá Hoàng Sùng kể: “Dù Bộ Quốc phòng không hề nói bố tôi đã hi sinh, nhưng vừa nhận được tin báo là mẹ tôi khóc. Mẹ bảo bố ra giờ này có nghĩa là bố hi sinh rồi. Bố tôi được đưa về Bệnh viện 108, trong một cái thùng tôn, vượt qua gần một nghìn cây số bom đạn. Người duy nhất được nhìn mặt bố tôi là Bác Hồ. Cả mẹ tôi và chị em chúng tôi đều không được nhìn mặt bố lần cuối. Trong tang lễ bố tôi, khi Bác Hồ đến viếng, mẹ tôi vừa khóc vừa nắm chặt tay Bác. Bà hỏi Người:“Cháu chỉ hỏi Bác một câu thôi: Người nằm trong quan tài kia có phải anh Hoàng Sâm không?”. Bác trả lời: “Tôi hứa với cô, đó chắc chắn là anh Hoàng Sâm”. Từ đó mẹ tôi không nói nữa và tin tưởng lời của Bác...” [1], [5]
Sau này, gia đình Thiếu tướng Hoàng Sâm mới biết, khi nghe tin ông hy sinh ở mặt trận Trị Thiên, Bác Hồ đã quả quyết yêu cầu: “Bằng mọi giá phải đưa được Hoàng Sâm về Hà Nội”. Nhưng Thiếu tướng Hoàng Sâm bị trúng bom, thi thể không còn lành lặn. Có lẽ vì lý do đó, Bác và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã không cho gia đình Thiếu tướng được nhìn mặt ông lần cuối, tránh cho gia đình những nỗi ám ảnh sau này. Khi Thiếu tướng Hoàng Sâm mất, cô con gái Hoàng Mộng Liên mới 19 tuổi, còn đang học Quân Y, người con út của ông cũng mới chỉ 7 tuổi.
Ảnh 4. Di ảnh của Thiếu tướng Hoàng Sâm và bà Mỹ Lệ
4.2. Hậu phương vững chắc và luôn tự hào về ông
Thời gian chung sống, bà Mỹ Lệ luôn là người vợ tảo tần để làm hậu phương vững chắc cho Thiếu tướng Hoàng Sâm hoàn thành tốt nhiệm. Sau những giờ ở trường, bà có mặt ở nhà để chấm bài, thu xếp việc nhà cửa, chăm sóc, nuôi dạy con cái, đồng thời, lo cho chồng từng bữa cơm, chuẩn bị trước và sau khi ông đi công tác về. Ông thường thức khuya làm việc và dậy rất sớm nên bao giờ bà cũng dậy trước, đun nước và pha một ấm trà để chồng uống, sau đó chuẩn bị bữa sáng chủ yếu là bát cơm nếp hoặc cơm rang.
Sau khi Thiếu tướng Hoàng Sâm hy sinh, bà Mỹ Lệ một mình gánh vác cả gia đình, nuôi 3 người con nên người. Nhưng bà chưa bao giờ than phiền bất cứ điều gì, chỉ nói đi nói lại một điều với con cái: “Đôi khi mẹ ước bố con không phải một vị Tướng, mà chỉ cần là một người nông dân, một anh bán thịt bình thường cũng được”. Có lẽ bà ao ước thế, vì nghĩ rằng nếu chồng bà chỉ là một anh bán thịt, một người nông dân, thì có lẽ bà vẫn có chồng, các con bà vẫn có bố bên cạnh để chia sẻ, bảo ban, chăm sóc.
Nỗi niềm ấy được thể hiện rõ qua hai bài thơ của bà Phan Thị Mỹ Lệ viết sau khi Thiếu tướng Hoàng Sâm hy sinh và cảm xúc với thời điểm Bác Hồ mất năm 1969:
Tưởng nhớ anh Hoàng Sâm
Vẫn mái nhà xưa anh đi đâu?
Na, cam… ra quả đượm muôn sầu.
Ơn người chăm sóc không còn nữa?
Quả trĩu trên cành nghĩa nặng sâu.
Giàn lý, giàn nho, nọ cây đào!
Nhớ anh trước gió lá rì rào.
Phi lao thẳng tắp vi vu mãi…
Mát rượi mong anh tự hôm nao.
Nhìn cá lội bơi lúc xế chiều
Thương anh mơ ước biết bao nhiêu
Trở về ta nấu nồi riêu cá
Chan húp mát lòng bên con yêu.
Anh đã đi rồi theo tổ tiên
Nhà xưa vắng vẻ cảnh triền miên
Hương thơm tỏa khói bao quanh ảnh
Hồn nhắn vợ con sống nhẫn kiên.
Cỏ đã mọc xanh trên mộ rồi!
Thương anh ngồi khóc lệ tuôn rơi.
Tình riêng nhỏ bé bên non nước,
Khắc phục lâu dài nỗi đầy vơi…
Ước mơ Tổ quốc được thanh bình
Con cháu tự do sống quang vinh
Nghĩa cả quên mình anh không tiếc
Ngàn thu yên nghỉ dạ đinh ninh…
Hà Đông, tháng 1 năm 1969 [5]
Bác Hồ và anh Sâm
Nước mắt chan hòa Bác tới thăm
Con sao không dậy vẫn yên nằm?
Phải chăng trọn vẹn tình non nước
Ngủ giấc say sưa với tháng năm.
Bác tặng vòng hoa đẹp nhất hoa
Đặt bên linh cữu thật xót xa
Cúi đầu vĩnh biệt con thương tiếc
Cảm động, run run, Bác lặng… ra.
Chín tháng trôi qua rồi một ngày:
Bác Hồ tạ thế, gió heo may.
Ra đi trời khóc, muôn người khóc
Tang tóc, biệt ly, ôi đắng cay.
Người “đi” nghĩa vụ đã xong rồi
Tiếp bước cha anh tiến lên thôi
Nam, Bắc hai miền giành thắng lợi,
Bài ca Độc lập vọng muôn nơi.
Tháng 5 năm 1970 [5]
Chiến tranh không mang gương mặt của những người phụ nữ. Bởi phần lớn, chiến binh ra trận đều là những người đàn ông. Thế nhưng, khi một viên đạn bắn vào lồng ngực một người lính, dù ở phe nào, viên đạn ấy cũng đã găm nát trái tim của một người mẹ hoặc một người vợ. Nếu những người đàn ông ra trận phải chịu nỗi đau thể xác trên chiến trường, thì những người phụ nữ ở hậu phương phải đựng chịu nỗi dày vò khủng khiếp về tinh thần, ngay cả khi cuộc chiến đã đi qua.
Nỗi đau của mất mát, mỏi mòn và hoang hoải.
Nhưng niềm tự hào về người chồng, người cha đã mất vẫn luôn là điều lớn lao nhất trong ký ức những người thân của Thiếu tướng Hoàng Sâm. Mỗi khi những đồng đội cũ ghé qua thắp hương cho ông, kể lại những kỷ niệm về ông, những chiến công của ông, vợ con Thiếu tướng Hoàng Sâm lại thêm tự hào về người chồng, người cha thường xuyên vắng nhà nhưng đã khuất của mình.
- Vỹ thanh
Hòa bình là khát vọng chung của toàn nhân loại. Nhưng lịch sử nhân loại lại được viết bằng máu của những cuộc chiến tranh. Trong những cuộc chiến tranh ấy, có những cuộc chiến tranh phi nghĩa, những cuộc chiến để xâm lược, bành trướng, để cướp bóc, nô dịch và đồng hóa. Nhưng cũng có những cuộc chiến tranh chính nghĩa, những cuộc chiến mà người ta sẵn sàng chiến đấu và hy sinh vì độc lập, tự do của quê hương, đất nước, vì hạnh phúc của dân tộc, vì sự tồn vong của giống nòi.
Cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc trong 30 năm của quân và dân ta là một trong những cuộc chiến tranh chính nghĩa vĩ đại nhất trong thế kỷ XX của nhân loại. Những trang sử vẻ vang từ năm 1945-1975 gắn liền với “máu và hoa”, đầy bi tráng nhưng cũng rất đỗi hào hùng. Trong khói lửa khốc liệt của cuộc chiến tranh vệ quốc, lớp lớp những người con ưu tú của đất nước Việt Nam và quê hương Quảng Bình đã không tiếc tuổi thanh xuân, hiến dâng cả xương máu của mình cho quê hương, đất nước. Cũng từ đó, sản sinh ra những anh hùng hào kiệt làm vẻ vang cho quê hương, đất nước. Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, lại giàu truyền thống cách mạng, chàng trai Trần Văn Kỳ sớm đã có ý chí đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, cho quê hương. Khát vọng ấy đã khiến người trai trẻ theo đuổi lý tưởng cách mạng mà quên cả tuổi xuân, rồi trở thành Thiếu tướng Hoàng Sâm, vị tướng quân tài ba, bản lĩnh, trí tuệ được Đại tướng Võ Nguyên Giáp ví như một “Tra-pa-et của Việt Nam.” [5]
Sự nghiệp binh lửa đầy oai hùng của Thiếu tướng Hoàng Sâm xứng đáng đi vào huyền thoại trong dòng chảy của lịch sử quân sự Việt Nam, nhưng đằng sau ấy, những giá trị đạo đức của ông để lại, về đức tính giản dị, khiêm nhường, chịu thương chịu khó, không ngại gian khổ và sống có tình nghĩa, đặc biệt là sự hy sinh hạnh phúc riêng tư cho lý tưởng cách mạng cao đẹp càng thể hiện rõ phẩm chất của “Anh bộ đội Cụ Hồ” trong thời đại Hồ Chí Minh, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay ngưỡng mộ, học tập và noi theo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự hy sinh cao cả ấy không chỉ ở cá nhân Thiếu tướng, mà còn ở gia đình của ông, đặc biệt là người vợ tảo tần, sắt son, một vẻ đẹp sáng ngời của người phụ nữ Việt Nam như 8 chữ vàng Bác Hồ đã ngợi khen: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang.”
Ảnh 5. Làng Lệ Sơn – Quê hương thiếu tướng Hoàng Sâm
Đã hơn 50 năm, Hoàng Sâm – Người đội trưởng xuất sắc của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân yên nghỉ bên những người đồng đội, đồng chí của mình, ấm áp, bình yên trong lòng đất mẹ, trong nỗi nhớ khuôn nguôi của những người thân yêu nơi quê nhà. Trong suốt hành trình rong ruổi trên khắp nẻo đường đất nước, đã đôi lần, Thiếu tướng Hoàng Sâm muốn dừng lại để làm một chuyến trở về quê hương, nhưng nhiệm vụ cứ cuốn ông đi mãi, đi mãi. Nhưng đất và người Lệ Sơn chưa khi nào phôi phai nỗi nhớ về một người con tự hào của của mảnh đất Lệ Sơn, của quê hương Quảng Bình và của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Quảng Bình, ngày 21 tháng 10 năm 2024
Nguyễn Anh Tuấn
Tài liệu tham khảo
- Đài truyền hình tỉnh Quảng Bình, (2015), phim tài liệu “Hoàng Sâm vị tướng huyền thoại”.
- Đinh Thanh Hải (2017), Thiếu tướng Hoàng Sâm trong lịch sử Việt Nam cận – hiện đại.
- Lê Trọng Đại, (2014), Địa chí Lệ Sơn, NXN Thuận Hóa.
- Quân đội nhân dân Việt Nam (2004), Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, NXB Quân đội nhân dân.
- Nguyễn Mạnh Hùng (2015), Tướng lĩnh Việt Nam thế kỷ XX qua lời kể của người thân, tập 1, NXB Quân đội nhân dân.
- Tỉnh ủy Quảng Bình, Đảng ủy Quân sự Tỉnh, (2015), Tướng lĩnh quân đội nhân dân Việt Nam quê hương Quảng Bình, NXB Quân đội nhân dân.
- Trần Ngọc Long, (2014), “Hoàng Sâm – Tra-pa-et của Việt Nam”, Báo cáo khoa học Hội thảo quốc gia về danh nhân Quảng Bình, NXB Chính trị Hành chính.