Phong Nha – Kẻ Bàng là một khu vực chứa đựng nhiều giá trị có ý nghĩa khu vực và toàn cầu, thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, nhiều nhà khoa học như Parton, Antoine, M. Bouffier, R. Caderre, Finot, Golonbew, Hoàng Thiếu Sơn, Nguyễn Kinh Chi, Lê Bá Thảo,… đã giành nhiều thời gian tổ chức khảo sát, mô tả và giới thiệu Phong Nha – Kẻ Bàng với cộng đồng thế giới.
Bẵng đi một thời gian dài bởi những trở ngại của chiến tranh, Phong Nha – Kẻ Bàng lại hồi sinh với sự quan tâm nghiên cứu của các tổ chức Quốc tế như: Quỹ Bảo tồn các động vật hoang dã (WWF), Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN), Nhóm nghiên cứu hang động thuộc Hội Hang động Hoàng gia Anh, Đại học Toulouse, Đại học kỹ thuật Nottingham, Hội Địa chất Australia, Đại học Sidney… với những nhà nghiên cứu tên tuổi như Dehavenig L., Limbert H., Elery H., Hans F.
Đặc biệt, từ những năm 90 của thế kỷ XX, được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, tỉnh Quảng Bình đã quyết tâm xây dựng dự án Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng và lập hồ sơ trình UNESCO công nhận Di sản Thiên nhiên thế giới, cụ thể:
Ngày 20/5/1997, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ký Quyết định 540/QĐ-UB về việc thành lập Ban chỉ đạo lập Dự án bảo tồn và quản lý khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng (gọi tắt là Chương trình Phong Nha – Kẻ Bàng) với hai nội dung chính là xây dựng dự án Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng và lập hồ sơ trình UNESCO công nhận Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng là Di sản Thiên nhiên thế giới; giao cho Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Sở Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Sở Văn hoá và Thông tin tổ chức thực hiện chương trình nghiên cứu bảo tồn và quảng bá các giá trị của Phong Nha – Kẻ Bàng, đồng thời hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế nghiên cứu, xây dựng hồ sơ khoa học đệ trình UNESCO xem xét, công nhận Di sản Thiên nhiên thế giới.
Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quảng Bình với tư cách là cơ quan thường trực của Ban Chủ nhiệm Chương trình Phong Nha – Kẻ Bàng đã trực tiếp chủ trì việc tổ chức nghiên cứu khoa học với sự tham gia nhiệt tình của các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước, đặc biệt là Trung tâm Tài nguyên Môi trường Lâm nghiệp – Viện Điều tra Quy hoạch rừng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Khoa Địa lý – Địa chất – Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội, các tổ chức Quốc tế như: Quỹ Bảo tồn các động vật hoang dã (WWF), Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN)…, xây dựng Hồ sơ Di sản với tên gọi là “Khu động Phong Nha” trên diện tích 41.132ha báo cáo Bộ Văn hóa và Thông tin gửi sang Paris trình UNESCO tháng 06/1998.
Tháng 5/1999, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình chỉ đạo tổ chức nghiên cứu bổ sung những giá trị địa chất, địa mạo và thông báo tên chính thức đề nghị công nhận Di sản Thiên nhiên thế giới là “Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Nha – Kẻ Bàng” để hàm chứa hết những giá trị thiên nhiên của khu bảo tồn; đồng thời tích cực tiến hành hoàn chỉnh hồ sơ xây dựng Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Trong bổ sung lần này có một vấn đề rất quan trọng mà trong quá trình lập hồ sơ không được đề cập nhiều, đó là lịch sử Trái đất và giá trị địa chất, địa mạo.
Một số loài động vật quý hiếm tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng
Ngày 12/12/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 189/2001/QĐ-TTg thành lập Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng trên cơ sở chuyển hạng Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Nha nhằm bảo vệ toàn vẹn nguồn tài nguyên thiên nhiên với các hệ sinh thái rừng đa dạng và phong phú, các loài động thực vật quí hiếm có nguy cơ tuyệt chủng; khai thác thế mạnh của cảnh quan thiên nhiên để phát triển du lịch, sinh kế cho cư dân trong vùng, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Sau 7 năm kể từ khi chủ trương của Tỉnh được khởi tạo, ngày 5/7/2003, tại Hội nghị thường niên lần thứ 27 diễn ra tại Paris (CH Pháp), Ủy ban Di sản thế giới (WHC) thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp quốc (UNESCO) đã công nhận Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng là Di sản Thiên nhiên thế giới với tiêu chí “Lịch sử Trái đất và đặc điểm địa chất có giá trị nổi bật toàn cầu”.
10 năm qua, kể từ ngày được công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới, Phong Nha – Kẻ Bàng nhận được sự quan tâm ngày càng lớn của cộng đồng quốc tế. Nhiều chương trình nghiên cứu, nhiều dự án đầu tư của các tổ chức trong nước và quốc tế đã được triển khai thực hiện ở khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng nhằm tiếp tục nghiên cứu phát hiện những giá trị quốc tế đặc biệt, nổi bật toàn cầu xét theo quan điểm khoa học, thẩm mỹ và bảo tồn của Phong Nha – Kẻ Bàng, tổ chức các hoạt động nhằm bảo tồn các giá trị của khu vực, đặc biệt là các giá trị về địa chất, địa mạo, thẩm mỹ và đa dạng sinh học, hỗ trợ cho cộng đồng cư dân bản địa để hợp tác thực hiện các chương trình bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị hiếm có của Phong Nha – Kẻ Bàng theo hướng phát triển bền vững.
Công tác quy hoạch đã được chú trọng: Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 2335/QĐ-TTg ngày 08/12/2010. Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phát triển du lịch bền vững khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng giai đoạn 2010 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025 theo Quyết định số 2822/QĐ-UBND ngày 01/11/2010, Kế hoạch chiến lược quản lý giai đoạn 2013 – 2025 và Kế hoạch quản lý hoạt động 2013 – 2020 theo các Quyết định số 808/QĐ-UBND và số 809/QĐ-UBND ngày 09/4/2013.
Cơ sở vật chất trong 10 năm qua không ngừng được tăng cường, tỉnh Quảng Bình cũng đã giành một phần ngân sách thích hợp và cho phép trích nguồn thu từ hoạt động du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng bổ sung để đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị của Di sản Thiên nhiên thế giới phục vụ phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Về nghiên cứu địa chất, địa mạo: Trong gần 300 hang động, có nhiều hang động đặc sắc, kỳ vĩ… phát hiện hố sụt Kast sâu nhất Đông Nam Á (với độ sâu hơn 255m) có độ tuổi hơn 400 triệu năm. Đặc biệt là việc phát hiện mới về hang động lớn nhất thế giới – Động Sơn Đoòng. Có thể nói phát hiện động Sơn Đoòng có ý nghĩa quan trọng nhất trong nghiên cứu hang động ở Vườn Quốc gia 10 năm qua. Phát hiện này là một đóng góp hết sức quan trọng bổ sung thêm giá trị nổi bật toàn cầu về lịch sử hình thành vỏ Trái đất và đặc điểm địa chất quan trọng và sự độc đáo của động Sơn Đoòng được giới truyền thông toàn thế giới đưa tin.
Về nghiên cứu đa dạng sinh học: Hợp tác với các nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn tiến hành điều tra đa dạng sinh học và đã công bố danh lục thực vật hiện có 2.694 loài thực vật bậc cao có mạch, trong đó có 79 loài nằm trong Sách Đỏ Việt Nam 2007, 35 loài nằm trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ; có 396 loài động vật không xương sống và 849 loài động vật có xương sống, trong đó có 82 loài nằm trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ, 99 loài trong Sách Đỏ Việt Nam 2007 và 66 loài trong Sách Đỏ IUCN 2006… Đặc biệt, đã phát hiện 19 loài mới cho khoa học, tái phát hiện loài Chuột đá Lào (Laonastes aenigmamus) được cho là tuyệt chủng cách đây 11 triệu năm. Phát hiện này đã bổ sung vào danh lục Thú Việt Nam lên đến 323 loài.
Những phát hiện trên đây có sự đóng góp tích cực của các nhà khoa học Đức, Nga và Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, gây được sự chú ý đặc biệt đối với các nhà sinh học của Việt Nam và thế giới. Kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học quan trọng trong chỉ đạo điều hành và thực hiện các chương trình bảo tồn và phát huy các giá trị nổi bật toàn cầu xét theo quan điểm khoa học, bảo tồn hoặc thẩm mỹ của Di sản Thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.
Với kết quả nghiên cứu về đa dạng sinh học, chúng ta đang hoàn thiện hồ sơ để trình UNESCO công nhận Phong Nha – Kẻ Bàng là Di sản Thiên nhiên thế giới theo tiêu chí đa dạng sinh học xét theo phương diện bảo tồn (Tiêu chí thứ 4).
Cùng với sự bảo tồn Di sản Thiên nhiên thế giới, tỉnh Quảng Bình đã phát huy Di sản phục vụ tốt phát triển kinh tế – xã hội.
Riêng trên lĩnh vực du lịch, số lượng khách quốc tế và trong nước đến tham quan Phong Nha – Kẻ Bàng ngày càng đông, tăng bình quân hàng năm 24%. Riêng năm 2012, động Thiên Đường thu hút 255.731 khách du lịch, trong đó có 4.275 khách quốc tế; Trung tâm Du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng đã đón 260.410 khách du lịch, trong đó có 10.626 khách quốc tế.
Đạt được những thành tựu nêu trên, trước hết là sự quan tâm giúp đỡ của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, Viện Điều tra Quy hoạch rừng, Cục Kiểm lâm thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa Địa lý – Địa chất thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Lâm nghiệp, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật – Viện KH&CN Việt Nam, các đoàn thám hiểm thuộc Hiệp hội thám hiểm Hang động Hoàng gia Anh, và các tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã như: Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của LHQ (UNESCO), Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN), Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF), Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ), Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW), Tổ chức Bảo tồn động thực vật quốc tế (FFI), Hội động vật Fankfurt – CHLB Đức (FZS), Vườn thú Colonge CHLB Đức (CZ), các tổ chức quốc tế khác cùng các nhà khoa học trong và ngoài nước…
Tuy nhiên, với cách nhìn ở tầm chiến lược và kế hoạch dài hạn thì muốn Phong Nha – Kẻ Bàng bảo tồn được các giá trị nổi bật toàn cầu của một Di sản Thiên nhiên thế giới, tổ chức quản lý và khai thác nguồn tiềm năng quý giá này trên nguyên tắc phát triển bền vững thì còn rất nhiều việc phải làm mà việc đầu tiên, có vai trò quyết định chính là đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học về Phong Nha – Kẻ Bàng. Nhân đây, tôi xin khẳng định rằng, với diện tích 125.000ha trên nền khối đá vôi cổ khổng lồ, hùng vĩ, Phong Nha – Kẻ Bàng là kho báu của các nhà khoa học.
Chúng ta còn nhớ trong những năm đầu thập kỷ này, khi bắt đầu tiếp cận với khái niệm “Di sản Thiên nhiên thế giới” để tổ chức nghiên cứu các giá trị toàn cầu của Phong Nha – Kẻ Bàng, lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận Di sản Thiên nhiên thế giới đã gặp rất nhiều khó khăn do nhận thức chưa đầy đủ các tiêu chí và điều kiện để được công nhận là một Di sản thế giới. Những kết quả nghiên cứu của chúng ta chưa có chiều sâu, chưa bao quát hết các giá trị vốn có của Phong Nha – Kẻ Bàng và thậm chí cũng đã có những tư duy chưa thực sự chuẩn xác. Ngay từ lần đệ trình hồ sơ đầu tiên vào năm 1999, Phái đoàn của IUCN thừa uỷ quyền của UNESCO thẩm định thực địa về các tiêu chí để xem xét giá trị toàn cầu đã thẳng thắn chỉ ra những thiếu sót và non kém của chúng ta trong công tác nghiên cứu khoa học. Hai chuyên gia hàng đầu của IUCN về vấn đề này là TS. Elery Hamilton Smith và Hans Fridrich đã chỉ rõ việc nhiều nhà khoa học đi theo hướng nhận định đây là khu vực Karst trẻ là sai lầm, rằng chúng ta “nghiên cứu chưa đầy đủ về khu vực Phong Nha… chưa đưa ra được những bằng chứng xác thực, rõ ràng…”, rằng “việc điều tra để vẽ bản đồ toàn bộ khu vực dự tính, cho đến nay mới chỉ thực hiện được một phần nhỏ…”. Mặt khác, cũng chính trong bản thẩm định của Phái đoàn IUCN, các chuyên gia về di sản thế giới đã cho rằng Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng của chúng ta “có những giá trị tiềm tàng đối với tiêu chí 1 (lịch sử trái đất và đặc điểm địa chất) và tiêu chí 4 (đa dạng sinh học)”. Tuy nhiên vào thời điểm bấy giờ, với sự giúp đỡ có hiệu quả của các tổ chức khoa học quốc tế và trong nước, chúng ta đã chứng minh được giá trị toàn cầu về lịch sử của Trái đất và đặc điểm địa chất quan trọng chứ chưa chứng minh được giá trị toàn cầu về mặt thẩm mỹ, cảnh quan hang động và về đa dạng sinh học.
Tháng 7 năm 2003, UNESCO đã công nhận Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng là Di sản Thiên nhiên thế giới với đầy đủ tiêu chí thứ 1 (lịch sử trái đất và đặc điểm địa chất) nhưng những nhận xét của các chuyên gia Elery Hamilton Smith, Hans Fridrich và đánh giá của Phái đoàn thẩm định của IUCN về những yếu kém của chúng ta trong nghiên cứu vẫn còn nguyên giá trị. Từ khi Phong Nha – Kẻ Bàng được công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới đến nay, chúng ta đã tổ chức nghiên cứu khoa học để tiếp tục phát hiện những giá trị mới của Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng nhưng hầu như những hoạt động nghiên cứu diễn ra một cách thụ động và chưa đủ lực để lấp đầy những khoảng trống về kiến thức mà các tổ chức và các chuyên gia giỏi của quốc tế đã chỉ ra cho chúng ta.
Vì lẽ đó, trong rất nhiều việc cần làm để bảo tồn và phát huy các giá trị Quốc tế đặc biệt, nổi bật toàn cầu của Di sản Thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, công tác nghiên cứu khoa học cần tập trung một số nội dung chính sau:
Thứ nhất, Tranh thủ sự giúp đỡ của Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành Trung ương, các nhà khoa học trong và ngoài nước để đẩy mạnh nghiên cứu về Phong Nha – Kẻ Bàng.
Thứ hai, Tiếp tục nghiên cứu bổ sung thêm hoặc làm rõ hơn về các giá trị Quốc tế đặc biệt xét theo phương diện khoa học về lịch sử của Trái đất và đặc điểm, cấu trúc địa chất, địa tầng, kiến tạo, hoạt động magma, địa hình, địa mạo, cổ sinh vật và các quá trình địa chất khác… (theo tiêu chí thứ 1).
Thứ ba, Nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ Di sản theo tiêu chí đa dạng sinh học xét theo phương diện khoa học hoặc bảo tồn (theo tiêu chí thứ 4) và nghiên cứu bổ sung sau khi hoàn thiện hồ sơ Di sản.
Thứ tư, Cần mở rộng phạm vi, đối tượng nghiên cứu khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng nhằm tổng hợp, xác định các giá trị nổi bật toàn cầu các hiện tượng tự nhiên siêu đẳng và các sinh cảnh, kỳ quan thiên nhiên có vẻ đẹp tự nhiên, độc đáo khác thường xét theo phương diện thẩm mỹ (theo tiêu chí thứ 3).
Đây chính là tiêu chí khởi tạo ban đầu khi chúng ta đệ trình UNESCO, nhưng chưa được chấp nhận. Việc chưa được chấp nhận theo tiêu chí thứ 3 không có nghĩa Phong Nha – Kẻ Bàng không xứng danh mà chúng ta chưa có đầy đủ hồ sơ khoa học để minh chứng tại thời điểm bấy giờ.
Cần khẳng định rằng, cả thế giới đã biết đến Phong Nha – Kẻ Bàng không chỉ những giá trị nổi bật toàn cầu về “Lịch sử Trái đất và đặc điểm địa chất” và “Đa dạng sinh học” mà còn là “Các hiện tượng tự nhiên siêu đẳng và các sinh cảnh, kỳ quan thiên nhiên có vẻ đẹp tự nhiên, độc đáo khác thường xét theo phương diện thẩm mỹ”.
Giá trị thẩm mỹ với vẻ đẹp tự nhiên, độc đáo khác thường không chỉ dừng lại ở một cá thể nhất định mà là cả quần thể khối núi đá vôi cổ, khổng lồ, hùng vĩ, rộng lớn nhất ở Việt Nam, tương quan liền khối sang CHDCND Lào, thì đây là khối núi đá vôi lớn nhất hành tinh (Pierre G., 1966), bao gồm quần thể hang động kỳ vĩ, tráng lệ, rộng nhất, cao nhất, dài nhất, nhiều cá thể hang động nhất, bao gồm cả hang động khô đã ngừng hoạt động và hang động ướt đang hoạt động; bao gồm cả một số hiện tượng tự nhiên siêu đẳng như hố sụt Kast sâu nhất Đông Nam Á (với độ sâu hơn 255m) và các sinh cảnh, kỳ quan thiên nhiên tuyệt đẹp, tráng lệ, độc đáo khác thường trong các khu rừng nguyên sinh trên thảm thực vật hệ khối núi đá vôi có tuổi cổ Devon – Carbon – Permi (419,2 – 358,9 – 298,9 – 252,17 triệu năm theo thang địa tầng quốc tế tháng 1/2013) dày trên 1.000m trong điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa… được phân lập đa dạng theo các chu kỳ kiến tạo khác nhau trong lịch sử của Trái đất.
Thứ năm, Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng lại là địa bàn chứa đựng các giá trị lịch sử, văn hoá quan trọng, trong đó có vấn đề nhân loại học, văn hoá tộc người, khảo cổ học, đặc biệt là hệ thống các di tích gắn liền với đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại nổi tiếng, cũng cần được nghiên cứu làm rõ các giá trị nhằm phát huy hỗ trợ trong công tác bảo tồn các giá trị.
Thứ sáu, Phải tập trung nghiên cứu tổng thể, đồng bộ hệ thống các giải pháp nhằm bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị của Di sản Thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng trong mối tương quan với cộng đồng quốc tế và hội nhập.
Thiên nhiên đã ban tặng cho Quảng Bình một tài nguyên vô cùng quý giá là Phong Nha – Kẻ Bàng, hoạt động nghiên cứu khoa học sẽ góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, khai thác và phát huy có hiệu quả các giá trị Quốc tế đặc biệt, nổi bật toàn cầu và các giá trị đặc hữu, độc đáo và đặc biệt quý hiếm của Di sản Thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.
TS. Nguyễn Hữu Hoài
Phó Bí thư tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình